Monday, 14 January 2013

KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA-LA-MẬT

Ngài Tam-Tạng Pháp-Sư CƯU-MA-LA-THẬP dịch chữ Phạn ra chữ Hán.
Sa-môn THÍCH THIỆN HOA dịch lại chữ Việt.
MỤC LỤC
A. Lời Tựa.
B. Phần Tự.
C. Phần Chánh Tôn
1. Ông Tu-Bồ-Ðề hỏi Phật hai câu quan trọng.
2. Phật khen ông Tu-Bồ-Ðề và hứa sẽ khai thị.
3. Phật dạy Bồ Tát hóa độ chúng-sanh không nên chấp tướng.
4. Phật dạy Bồ Tát bố-thí không nên chấp tướng.
5. Bố-thí không chấp tướng, phước nhiều như mười phương hư-không.
6. Phật dạy an trụ chơn tâm.
7. Không nên chấp : 'Thấy thân tướng của Phật là thấy được Phật'.
8. Người tin được Kinh này là do đã trồng căn lành từ nhiều kiếp.
9. Người thọ-trì Kinh này được công-đức vô lượng.
10. Giáo pháp của Phật cũng như chiếc thuyền đưa người qua bể khổ.
11. Phật phá cái chấp : 'Như-Lai có thành Phật và thuyết pháp'.
12. Phật pháp không có sai khác, do trình độ của chúng-sanh mà thấy có sai khác.
13. Phật nói công-đức trì Kinh nhiều hơn bố-thí thất bảo.
14. Bốn quả Thinh-văn không nên chấp mình có chứng quả.
15. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có đắc pháp'.
16. Phật phá cái chấp 'Bồ Tát thật có làm trang nghiêm cõi Phật'.
17. Phật dạy : 'Ðừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào'.
18. Phật phá cái chấp 'Thân Phật cao lớn như núi Tu-Di'.
19. Thọ trì Kinh này phước đức vô lượng.
20. Công-đức của Kinh Kim-Cang Bát-Nhã.
21. Ông Tu-Bồ-Ðề hỏi Phật tên Kinh.
22. Phật phá cái chấp 'Kinh Kim-Cang Bát-Nhã'.
23. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có thuyết pháp'.
24. Phật phá cái chấp 'thật có vi-trần và thế-giới'.
25. Phật phá cái chấp 'thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy Phật'.
26. Phật nói công-đức thọ-trì Kinh Kim-Cang Bát-Nhã.
27. Ông Tu-Bồ-Ðề bùi ngùi cảm động rơi nước mắt.
28. Người nghe Kinh này sanh lòng tin, người ấy được công-đức thứ nhất.
29. Người có hạt giống Bát-Nhã mới tin và hiểu được Kinh này.
30. Phật xác nhận lời nói của ông Tu-Bồ-Ðề là phải.
31. Phật phá cái chấp : 'Bát-Nhã là đệ nhất Ba-La-Mật'.
32. Phật phá cái chấp : 'Nhẫn nhục Ba-La-Mật'.
33. Phật nói tiền thân của Ngài là một vị tiên nhơn tu Nhẫn-nhục Ba-La-Mật.
34. Bồ Tát phát tâm Bồ-đề phải xa lìa tất cả các vọng chấp.
35. Bồ Tát bố-thí hay làm các việc lợi ích chúng-sanh đều không nên chấp tướng.
36. Như-Lai nói thật, không nói dối.
37. Chấp tướng bố-thí như vào nhà tối, vô-tướng bố-thí như đi ban ngày.
38. Người thọ-trì Kinh này công-đức vô lượng.
39. Công-đức Kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.
40. Phật khuyên người thọ-trì đọc-tụng Kinh này sẽ được đạo quả Bồ-đề.
41. Chỗ phụng thờ Kinh này cũng được nhơn thiên và thánh thần cúng dường.
42. Người thọ-trì Kinh này mà bị người khinh khi là do tội chướng đời trước của họ rất
nặng nề.
43. Người thọ-trì Kinh này công-đức nhiều hơn Phật Thích-Ca cúng dường vô số chư Phật.
44. Kinh này nghĩa lý không thể nghĩ bàn, nên phước báo của người thọ-trì Kinh này cũng
không thể nghĩ bàn.
45. Ðây là lần thứ hai ông Tu-Bồ-Ðề hỏi lại Phật hai câu quan trọng.
46. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có đắc pháp với Phật Nhiên-Ðăng'.
47. Phật nói : 'Tất cả các pháp đều là Phật pháp'.
48. Phật phá cái chấp 'Bồ Tát có độ sanh'.
49. Phật phá cái chấp 'Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật'.
50. Phật có đủ năm loại con mắt.
51. Phật thấy biết hết tâm niệm của chúng-sanh trong hằng sa thế-giới.
52. Phật phá cái chấp 'phước đức nhiều'.
53. Phật phá cái chấp 'thấy sắc thân và tướng tốt của Phật là thấy Phật'.
54. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có thuyết pháp'.
55. Phật phá cái chấp 'thật có chúng-sanh'.
56. Phật phá cái chấp 'Như-Lai đặng đạo quả vô thượng Bồ-đề'.
57. Pháp này bình đẳng không có thấp cao.
58. Phật nói công-đức của người thọ-trì Kinh này không thể nghĩ bàn.
59. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có độ chúng-sanh'.
60. Thấy 32 tướng tốt của Phật chưa phải là thấy được Phật.
61. Phật nói bài kệ phá cái chấp 'thấy Phật bằng sắc tướng, nghe Phật bằng âm thanh'.
62. Phật phá cái chấp 'không' (tức là chấp đoạn diệt).
63. Người ngộ 'tất cả các pháp không thật' phước đức nhiều hơn người bố-thí vô số bảy
báu.
64. Phật phá cái chấp 'Như-Lai cũng có đi, đứng, nằm, ngồi'.
65. Phật phá cái chấp 'thật có vi-trần và thế-giới'.
66. Phật phá 'chấp Ngã'.
67. Phật phá 'chấp Pháp'.
68. Phật tán thán công-đức thọ-trì Kinh Kim-Cang Bát-Nhã.
69. Phật nói bài kệ : quán các pháp hữu-vi đều giả.
D. Phần Lưu Thông.
***********************************************
A. Lời Tựa.
Phật nói Kinh Ðại Bát-Nhã, tại 4 chỗ, 16 hội, chép đến 600 quyển (Phật Học Tự Ðiển trang 406) mới hết (nhị thập nhị nên Bát-Nhã đàm). Tóm tắt bộ Kinh lớn trên là 'Kinh Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật', gọi tắt là 'Kinh Kim-Cang'. Kinh này rút lại trong một bài là 'Ma-Ha-Bát-Nhã Ba-La-Mật-Ða Tâm Kinh', gọi tắt là 'Tâm Kinh', gồm 260 chữ. Rốt sau Phật dạy : 'Ta không nói một chữ'.
Kinh Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật , mở đầu, mà cũng là trọng tâm của Kinh này, bằng hai câu hỏi của ông Tu-Bồ-Ðề :
'Vân hà ưng trụ ?'
'Vân hà hàng phục kỳ Tâm ?'
nghĩa là :
'Làm sao hàng phục vọng-tâm ?'
'Làm sao an trụ chơn-tâm ?'
Toàn bộ Kinh Kim-Cang Bát-Nhã, Phật chỉ giải đáp hai câu hỏi trên, tóm tắt lại chỉ trong một câu :
'Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm'.
Nghĩa là :
'Ðừng sanh vọng-tâm trụ chấp một nơi nào'.
Ðây là câu 'Tinh ba' của bộ Kinh Kim-Cang Bát-Nhã, mà ngày xưa đức Lục Tổ Huệ-Năng nhờ đó đã được tỏ ngộ.
Phật dạy : 'Ðừng sanh vọng-tâm trụ chấp một nơi nào', tức là dạy : 'Dùng trí-huệ Kim-Cang Bát-Nhã, phá trừ rốt ráo (Ba-La-Mật) các vô-minh vọng chấp : ngã, pháp, hay bốn tướng' (Ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả).
Khi các vô-minh phiền-não vọng-chấp hết rồi thì chơn-tâm thanh-tịnh hiện ra. Ðó là từ bờ mê-muội triền-phược của chúng-sanh mà sang bờ giác-ngộ giải thoát của chư Phật, tức là 'đáo bỉ ngạn' (đến bờ giác ngộ).
Phật dạy : 'Ðừng sanh vọng-tâm trụ chấp một nơi nào'. Ðó là phương pháp tu-hành của Ðại-thừa đốn-giáo, để 'hàng-phục vọng-tâm' mà cũng là 'an-trụ chơn-tâm' vậy.
Vì phạm vi của bài tựa có hạn và theo trình độ tầm thường của tôi, nên tôi chỉ trình bày sơ sài được một vài đặc điểm của Kinh này thôi. Ngoài ra, không biết bao nhiêu nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm còn bí-ẩn trong Kinh này; dù tôi có suốt đời, cũng không thể dùng trí phàm phu diễn tả hay lời nói phàm phu giải thích thấu đáo được ý nghĩa của Thánh-hiền !
Xin quí vị hãy cố gắng đọc kỹ và tinh tấn tu hành để hiểu được nghĩa lý cao siêu của Kinh này.
Tôi dịch Kinh này đến ba năm mới xong. Bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 năm Quí Mão (12-3-1963) đến ngày mùng 10 tháng 7 năm Ất Tỵ (6-8-1965). Vì Kinh đã khó, mà trong khi dịch lại gặp nhiều duyên trở ngại : bị hai năm Pháp-nạn lận-đận lao đao quá lao tâm khổ trí; đến khi Phật-giáo thống nhất, lại Phật sự quá tràn ngập, rồi tiếp đến hai lần tôi vào dưỡng đường, nên công việc phải chậm trể.
Hôm nay, nhờ Tam-Bảo gia hộ, tôi đã dịch và lược-giải xong Kinh Kim-Cang và Bát-Nhã Tâm-Kinh, là bộ Kinh thuộc khóa XII trong toàn bộ Phật Học Phổ Thông, do tôi chủ trương biên soạn. Thế là tôi đã đóng hoàn thành cây thang giáo lý 12 nấc, mà tôi đã hoài bảo trên 25 năm nay. ( xem 'một sự nghiệp của đời tôi' )
Ðược mãn nguyện, tôi rất vui mừng và thành tâm đốt nén hương lòng, cầu nguyện :
Mặt trời Phật sáng thêm
Xe chánh pháp chạy hoài
Trên đền đáp bốn ơn
Dưới cứu-độ ba loài
Thế-giới được hòa bình
Nhơn dân đều an lạc
Ðệ-tử và chúng-sanh
Ðều tròn thành đạo Phật.
Muà Hạ năm Ất-Tỵ - 1965
Sa-môn THÍCH THIỆN HOA

B. Phần Tự.
Phần mở đầu KINH BÁT NHÃ.
Tôi nghe như vầy : Một hôm, tại nước Xá-Vệ, Phật và 1250 vị Ðại Tỳ Kheo, đều ở Tinh-xá Kỳ-Hoàn, trong vườn của ông Thái-tử Kỳ-Ðà và ông Trưởng giả Cấp-Cô-Ðộc.
Sắp đến giờ ngọ trai, Phật và chúng tăng đều đắp y, mang bình bát vào thành Xá-Vệ, theo thứ lớp khất thực.
Khất thực xong, Phật và chúng tăng đồng về Tinh-xá để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rửa chân, rồi trải tọa-cụ, ngồi yên tịnh.
C. Phần Chánh Tôn.
1. Ông Tu-Bồ-Ðề hỏi Phật hai câu quan trọng.
Khi đó, ở trong đại chúng, ông Trưởng lão Tu-Bồ-Ðề đứng dậy, vén tay áo bên hữu, gối bên hữu quỳ xuống, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng :
'Hy hữu thay ! Ðức Thế-Tôn ! Ngài thường nhớ nghĩ và bảo hộ các vị Bồ Tát. Ngài rất hay khéo dạy bảo các vị Bồ Tát.
Bạch Thế-Tôn ! Nếu có người phát tâm Bồ-đề muốn cầu quả Phật, thì :
Làm sao hàng phục vọng tâm ?
Và làm sao an trụ chơn tâm ?'
2. Phật khen ông Tu-Bồ-Ðề và hứa sẽ khai thị.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Lời ông vừa hỏi, thật là quí lắm ! Vậy ông hãy chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy'.
Phật dạy tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người phát tâm Bồ-đề, muốn cầu quả Phật, thì phải như lời ta dạy đây mà 'hàng phục vọng tâm' và 'an trụ chơn tâm'.
3. Phật dạy Bồ Tát độ sanh không nên chấp tướng.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Các ông phải y như lời ta dạy đây, mà hàng phục vọng tâm của mình.
Tu-Bồ-Ðề ! Các vị Ðại Bồ Tát phải độ tất cả các loại chúng sanh (như loài sanh trứng, loài sanh con, loài sanh chỗ ẩm-thấp, loài hóa sanh, loài có sắc, loài không sắc, loài có tưởng, loài không tưởng, loài chẳng phải có tưởng, loài chẳng phải không tưởng v.v...) đều được nhập Niết bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có một chúng-sanh nào được độ. Tại sao vậy ? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ, tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (ngã tướng, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ Tát'.
4. Phật dạy Bồ Tát bố thí không nên chấp tướng.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Bồ Tát khi tu pháp Bố-thí, không nên trụ chấp các tướng; nghĩa là không nên trụ chấp tướng sáu trần là : sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Tại sao vậy ? Nếu Bồ Tát bố-thí mà không chấp tướng bố-thí, thì phước đức nhiều lắm, không thể nghĩ bàn'.
5. Bố thí không chấp tướng phước nhiều như mười phương hư không.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Hư-không ở phương đông có thể nghĩ bàn được không ?' Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể nghĩ bàn được'.
Phật hỏi tiếp : 'Hư-không phương tây, phương nam, phương bắc, phương trên, phương dưới và bốn gốc, có thể nghĩ bàn được không ? Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể nghĩ bàn được'.
'Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Bồ Tát bố-thí, không trụ chấp các tướng, đặng phước đức cũng như mười phương hư-không, nghĩa là nhiều lắm không thể nghĩ bàn'.
6. Phật dạy an-trụ Chơn-Tâm.
Tóm lại, Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! các vị Bồ Tát phải y như lời ta dạy đó mà an trụ Chơn-Tâm'.
7. Không nên chấp : 'Thấy thân tướng của Phật là thấy được Phật.'
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ông có thể cho thấy cái thân tướng của ta đây là thấy được Như-Lai chăng ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể cho thấy cái thân tướng của Ngài đó là thấy được Như-Lai. Tại sao vậy ? Vì Như-Lai nói : 'Cái thân tướng này, không phải thật là thân tướng của Như-Lai'.
Phật dạy tiếp :'Tu-Bồ-Ðề ! Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu các ông thấy các pháp (tướng) đều hư vọng, không thật (phi tướng) tức là thấy được Như-Lai (thật tướng các pháp).
8. Người tin được kinh này, do đã trồng căn lành từ nhiều kiếp.
Ông Tu-Bồ-Ðề hỏi Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Chúng-sanh nghe đến kinh này, chẳng biết có tin được không ?'
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ông chớ nên lo như vậy. Không những hiện-tại mà cả vị-lai đều có người nghe và tin được kinh này. Sau 500 năm, khi Như-Lai nhập diệt, nếu có người xuất gia (trì giới) hoặc tại gia (tu phước) nghe đến kinh này, mà sanh lòng tin thọ, thì biết người này đẵ trồng căn lành (đã tu), không phải mới bốn năm đời Phật, mà đã nhiều kiếp tu hành, từ vô lượng vô số chư Phật đến nay.
9. Người thọ trì kinh này, công đức vô lượng.
Phật dạy tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai thấy rõ ràng và biết chắc chắn : Nếu có chúng-sanh nào nghe đến kinh này, sanh tâm tin thọ, cho đến trong thời gian rất ngắn, chỉ nhứt niệm, thì chúng-sanh đó sẽ được phước đức vô lượng vô biên.
Tại sao vậy ? Vì chúng-sanh này không còn chấp tướng ngã tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, tướng phải pháp và tướng không phải pháp'.
10. Giáo Pháp của Phật cũng như chiếc thuyền đưa người qua bể khổ.
Phật dạy : 'Nếu các ông còn chấp các tướng, hoặc chấp 'tướng chánh-pháp' hay chấp 'tướng phi chánh pháp' thì cũng đều bị dính mắc nơi bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh, và thọ-giả. Bởi thế nên không được chấp 'tướng chánh pháp' hay chấp 'tướng phi chánh pháp'.
Cũng vì lẽ đó, nên Như-Lai thường dạy : 'Các thầy Tỳ-Kheo phải biết : giáo pháp của ta cũng như chiếc đò, đưa người qua sông; các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp.
'Chánh pháp' còn không nên trụ chấp huống chi là 'phi pháp'.
11. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có thành Phật và thuyết pháp'.
Phật hỏi ông Tu-Bồ-Ðề : 'Như-Lai có thành Phật không ? và Như-Lai có thuyết pháp không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai không thành Phật và Như-Lai cũng không thuyết pháp. Tại sao vậy ? Vì pháp của Như-Lai, không thể chấp thủ, nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, không phải chánh pháp, mà cũng không phải phi pháp.
Như thế thì làm sao, có cái gì quyết định là 'thành Phật', và có cái gì quyết định là 'nói pháp'.
12. Phật Pháp không có sai khác, do trình độ của chúng-sanh mà thấy có sai khác.
Ông Tu-Bồ-Ðề bạch Phật : 'Phật Pháp đã như thế, tại sao lại có các quả thánh hiền cao thấp khác nhau ?'. Phật dạy : 'Vì trình độ của chúng-sanh có sai khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật-Pháp (vô-vi) có sai khác'.
13. Phật nói công-đức trì kinh này nhiều hơn bố-thí thất bảo.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người đựng đầy bảy báu trong đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí (tài thí), thì phước đức nhiều không ?'. Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! nhiều lắm'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc vì người giảng nói trọn quyển hoặc nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì công-đức (pháp thí) của người này nhiều hơn người trước. Tại sao vậy ? Vì tất cả Phật và Pháp đều từ kinh này mà sanh ra'.
Phật dạy tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Gọi là 'Phật, Pháp', thực ra cũng không phải 'Phật, Pháp', chỉ tạm gọi là 'Phật, Pháp''.
14. Bốn quả Thinh-Văn, không nên chấp mình có chứng quả.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề' ! Nếu vị Tu-Ðà-Hoàn tự nghĩ rằng : 'Tôi đã đặng quả Tu-Ðà-Hoàn'; nghĩ như thế có được không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể được. Tại sao vậy ? Vị Tu-Ðà-Hoàn, phải không còn thấy mình có chứng quả Tu-Ðà-Hoàn, thế mới thật là chứng quả Tu-Ðà-Hoàn'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có vị Tư-Ðà-Hàm tự nghĩ rằng : 'Tôi đã đặng quả Tư-Ðà-Hàm'; nghĩ như thế có được không ?.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể được. Tại sao vậy ? Vị Tư-Ðà-Hàm, phải không còn thấy mình có chứng quả Tư-Ðà-Hàm, thế mới thật là chứng quả Tư-Ðà-Hàm'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có vị A-Na-Hàm tự nghĩ rằng : 'Tôi đã đặng quả A-Na-Hàm'; nghĩ như thế có đặng không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể được. Tại sao vậy ? Vị A-Na-Hàm, phải không còn thấy mình có chứng quả A-Na-Hàm, thế mới thực là chứng quả A-Na-Hàm'.
Phật hỏi : Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có vị A-La-Hán tự nghĩ rằng : 'Tôi đã đặng quả A-La-Hán'; nghĩ như vậy có đặng không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể được. Tại sao vậy ? Vị A-La-Hán, phải không còn thấy mình có chứng quả A-La-Hán, thế mới thật là chứng quả A-La-Hán. Nếu còn thấy mình chứng quả A-La-Hán tức là còn trụ chấp (dính mắc) về bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả, thì không phải thật chứng A-La-Hán.
Bạch Thế-Tôn ! Cũng như con đây, vì con không còn chấp mình có tu chứng, nên mới được Như-Lai chứng nhận : 'Tu-Bồ-Ðề đã đặng pháp Tam-muội vô tránh; Tu-Bồ-Ðề là người ưa tu hạnh tịch-tịnh (A-Lan-Na); Tu-Bồ-Ðề là vị A-La-Hán ly dục thứ nhứt. Trong chúng, Tu-Bồ-Ðề là hơn hết'.
Bạch Thế-Tôn ! Nếu con nghĩ (chấp) rằng : 'Con đã đặng quả A-La-Hán, con là vị A-La-Hán ly dục thứ nhứt v.v... thì Ðức Như-Lai không chứng nhận và không khen ngợi con như vậy'.
15. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có đắc Pháp'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Về quá-khứ đối với trước Phật Nhiên-Ðăng, ta có 'đắc Pháp' không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Ðức Như-Lai thật không có 'đắc Pháp' gì cả'.
16. Phật phá chấp 'Bồ Tát thật có làm trang nghiêm cõi Phật'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Bồ Tát có làm trang-nghiêm cõi Phật không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Bồ Tát không làm trang-nghiêm cõi Phật. Tại sao vậy ? Bồ Tát làm trang-nghiêm cõi Phật, mà không thấy (chấp) mình có trang-nghiêm cõi Phật, như thế mới thật là trang-nghiêm cõi Phật'.
17. Phật dạy 'Ðừng sanh vọng-tâm trụ chấp vào một nơi nào'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Các vị Ðại Bồ Tát phải giữ tâm thanh-tịnh, chớ nên sanh vọng-tâm trụ chấp nơi sắc trần, thinh-trần, hương-trần, vị-trần, xúc-trần và pháp-trần. Tóm lại, Bồ Tát đừng khởi vọng-tâm trụ chấp một nơi nào cả' (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).
18. Phật phá cái chấp 'Thân Phật cao lớn như núi Tu-Di'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Báo thân của Phật như núi Tu-Di. Vậy Báo Thân của Phật có cao lớn không ?'
Ông Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! lớn lắm. Nhưng, Phật nói : 'Không chấp thân cao lớn, mới thật là cao lớn'.
19. Thọ trì kinh này phước đức vô lượng.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như trong sông Hằng, có vô số cát, rồi lấy mỗi một hạt cát, lại dụ cho một sông Hằng. Vậy những số cát trong vô số sông Hằng đó, có nhiều không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! nhiều lắm. Nếu chỉ tính những sông Hằng mà thôi, hãy còn nhiều vô số, huống chi là tính tất cả số cát, trong vô số sông Hằng'.
Phật hỏi tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có chúng-sanh nào dùng 7 món báu, đựng đầy trong nhiều Ðại thế giới (một nghìn triệu thế-giới nhỏ) để đem bố-thí; số đại-thế-giới này cũng nhiều như số cát trong vô số sông Hằng, thì chúng-sanh đó phước đức nhiều không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! nhiều lắm'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ta nay thành thật bảo ông : Nếu có người thọ trì đọc tụng hay giảng kinh này, hoặc trọn quyển hay nửa quyển, cho đến tối thiểu, chừng bốn câu kệ, thì phước đức của người này nhiều hơn người trước'.
20. Công đức của kinh Kim-Cang Bát-Nhã.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! những chỗ được giảng kinh này, hoặc trọn bộ hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì chỗ đó cũng được chư thiên, người và thánh thần đến cúng dường và đều kính trọng như chỗ chùa tháp của Phật'.
Phật dạy tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu chỗ nào thờ kinh này, thì chỗ đó có Phật và có các vị đệ tử tôn quí của Phật. Bởi thế nên người chí thành thọ-trì đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu trí huệ Kim-Cang Bát-Nhã'.
21. Ông Tu-Bồ-Ðề hỏi Phật về tên Kinh.
Lúc bấy giờ, ông Tu-Bồ-Ðề hỏi Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Kinh này tên gì ? Và tại sao chúng con phải phụng trì'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Kinh này tên là 'KIM-CANG BÁT-NHÃ BA-LA -MẬT'; vì thế nên các ông phải phụng trì'.
22. Phật phá cái chấp về kinh 'KIM-CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói Bát-Nhã Ba-La-Mật, tức không phải Bát-Nhã Ba-La-Mật, thế mới gọi là Bát-Nhã Ba-La-Mật'.
23. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có thuyết pháp'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai có thuyết pháp không ?'. Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai không có thuyết pháp'.
24. Phật phá cái chấp : 'thật có vi-trần và thế-giới'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Những vi-trần chứa trong đại thế giới (1 nghìn triệu thế-giới nhỏ) có nhiều không ?'. Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! nhiều lắm'.
Phật dạy 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói các vi trần, không phải thật vi trần, chỉ tạm gọi là vi trần. Như-Lai nói thế giới, không phải thật là thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới'.
25. Phật phá cái chấp : 'thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy Phật'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ông có thể cho thấy 32 tướng tốt của Như-Lai là thấy được Như-Lai không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể được. Tại sao vậy ? Vì Ðức Như-Lai nói 32 tướng tốt, không phải thật 32 tướng tốt, chỉ giả gọi là 32 tướng tốt'.
26. Phật nói công-đức thọ-trì Kinh Kim-Cang Bát-Nhã.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người tự đem thân mạng mình, nhiều như cát sông Hằng để bố-thí, thì người đó phước đức nhiều lắm. Nhưng nếu có người thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này, trọn quyển hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì phước đức người này nhiều hơn người trước'.
27. Ông Tu-Bồ-Ðề bùi ngùi cảm động rơi nước mắt.
Sau khi thấy Phật nhiều lần ân-cần, nhắc nhở khuyên dạy, ông Tu-Bồ-Ðề nghe hiểu được nghĩa lý thâm-thúy của kinh này, nên lúc bấy giờ, ông cảm động bùi ngùi và sa nước mắt !...
Ông Tu-Bồ-Ðề bạch Phật rằng : 'Bạch Thế-Tôn ! Con tuy đặng huệ-nhãn đã lâu, nhưng chưa từng được nghe Phật nói kinh điển, nghĩa lý cao siêu, huyền diệu, quí hóa như thế này !'
28. Người nghe Kinh này sanh lòng tin người ấy đặng công đức thứ nhất.
Ông Tu-Bồ-Ðề thưa Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Nếu có người nghe kinh này, sanh lòng tin trong sạch, ngộ được thật-tướng (tánh Bát-Nhã) thì người ấy sẽ đặng thành-tựu công-đức hy hữu thứ nhứt.
Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai nói 'thật tướng', tức không phải 'thật tướng', chỉ tạm gọi là 'thật tướng'.
29. Người có hạt giống Bát-Nhã mới tin và hiểu được Kinh này.
Ông Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Hiện nay con nghe đặng kinh này, hiểu được tin được và thọ-trì, chẳng lấy làm khó. Khi đức Như-Lai nhập diệt, 500 năm về sau, nếu có người nghe Kinh này, mà được hiểu ngộ, tin theo và thọ-trì, thì người đó mới là hy-hữu !
Tại sao vậy ! Vì người này không còn chấp bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả.
Bạch Thế-Tôn ! Nói bốn tướng, không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng là ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả. Tại sao vậy ? Vì phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật'.
30. Phật xác nhận lời nói của ông Tu-Bồ-Ðề là phải.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ðúng như vậy. Nếu có người nghe Kinh này mà không nghi ngờ hay kinh sợ, thì người này rất là hy-hữu'.
31. Phật phá cái chấp : 'Bát-Nhã là đệ nhứt Ba-La-Mật'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói Bát-Nhã là đệ nhứt Ba-La-Mật, không phải Bát-Nhã là đệ nhứt Ba-La-Mật, thế mới thật Bát-Nhã đệ nhứt Ba-La-Mật'.
32. Phật phá cái chấp 'Nhẫn Nhục Ba-La-Mật'
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói người Nhẫn-nhục Ba-La-Mật (rốt-ráo) mà không thấy mình Nhẫn-nhục Ba-La-Mật, như thế mới thật là Nhẫn-nhục Ba-La-Mật'.
33. Phật nói tiền thân Ngài là một vị tiên-nhơn tu hạnh nhẫn-nhục Ba-La-Mật.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Về quá khứ, ta làm vị Tiên-nhơn tu hạnh nhẫn-nhục đến 500 đời. Bị vua Ca-Lợi cắt xẻo thân-thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; vì ta không còn chấp bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả'.
34. Bồ Tát phát tâm Bồ-đề phải xa lìa tất cả các vọng chấp.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Bồ Tát phát tâm Bồ-đề, phải xa lìa tất cả các chấp tướng. Bồ Tát không nên sanh tâm trụ-chấp nơi sắc-trần, thinh-trần, hương-trần, vị-trần, xúc-trần và pháp-trần v.v...
Nói tóm lại, Bồ Tát đừng sanh vọng-tâm trụ-chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tâm còn trụ-chấp một nơi nào, thì không phải thật an trụ chơn-tâm.
35. Phật dạy Bồ Tát bố thí hay làm các việc lợi ích chúng-sanh đều không nên chấp tướng.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Bồ Tát khi bố thí hay làm các việc lợi ích cho tất cả chúng-sanh, không nên sanh tâm trụ-chấp các tướng (mình bố-thí, người thọ thí, vật bố-thí).
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói các tướng không phải thật các tướng (các pháp) chỉ giả gọi các tướng. Như-Lai nói chúng-sanh, không phải thật chúng-sanh, chỉ giả gọi chúng-sanh'.
36. Như-Lai nói thật, không nói dối.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói thật, nói chân-chánh, không nói dối, không nói sai khác. Như-Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật không hư'.
37. Trụ tướng bố-thí như vào nhà tối, vô tướng bố-thí như đi ban ngày.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu Bồ Tát bố-thí mà tâm còn trụ-chấp nơi pháp bố-thí, thì như người vào nhà tối, không thấy gì cả. Trái lại, nếu Bồ Tát bố-thí mà tâm không trụ-chấp nơi pháp bố-thí, thì cũng như người có mắt sáng tỏ, lại nhờ ánh sáng của mặt nhựt chiếu soi, được thấy tất cả mọi vật'.
38. Người thọ trì kinh này công-đức vô lượng.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai dùng trí-huệ Phật, thấy rõ ràng và biết chắc-chắn : đời sau, nếu có người phát tâm thọ-trì đọc tụng kinh này, người ấy sẽ thành tựu công-đức vô lượng vô biên'.
39. Công-đức Kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người nào, một ngày ba lần : Sớm mai, đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố-thí; Trưa, đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố-thí; Chiều, cũng đem thân mình nhiều như số cát sông Hằng để bố-thí. Bố-thí như vậy cho đến vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp, phước đức của người này vô lượng vô biên.
Nếu có người nghe Kinh này, tin hiểu không nghi ngờ, thì người này phước đức nhiều hơn người trước. Chỉ tin mà thôi, còn được phước như vậy, huống chi là thọ-trì đọc-tụng, hoặc phiên dịch hay giảng dạy cho người. Tóm lại, công-đức của Kinh này vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn'.
40. Phật khuyên người thọ-trì đọc-tụng Kinh này sẽ đặng đạo quả Bồ-đề.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai vì những người phát tâm Ðại-thừa và phát tâm Tói-thượng-thừa mà giảng dạy kinh này.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai thấy rõ-ràng và biết chắc-chắn : Nếu có người thọ-trì đọc-tụng hoặc giảng dạy kinh này, thì người này sẽ đặng công-đức vô-lượng vô biên không thể suy nghĩ và luận bàn. Người này sẽ đặng đạo quả Bồ-Ðề của Như-Lai.
Tu-Bồ-Ðề ! Người ưa pháp Tiểu-Thừa, chấp bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả, nên đối với kinh này, họ không thể tin hiểu hoặc đọc tụng, hay giảng dạy cho người'.
41. Chỗ phụng thờ Kinh này cũng được nhơn thiên và thánh thần cúng dường.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Chỗ nào phụng thờ Kinh này, thì chỗ ấy như có chùa tháp của Phật; tất cả trời, người, thánh thần đều cung kính lễ bái, dâng hoa cúng dường hoặc đi nhiễu'.
42.Người thọ trì kinh này mà bị người khinh khi là do tội chướng đời trước của họ rất nặng nề
Phật dạy ! 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu người thọ trì đọc tụng Kinh này, mà bị người khinh khi, thì người này do tội chướng đời trước rất nặng nề còn thừa lại, đáng lẽ phải đọa vào ác đạo; nhưng nay chỉ bị người khinh khi, những tội chướng đời trước được tiêu diệt và họ sẽ mau đặng đạo quả Bồ-Ðề'.
43. Người thọ trì Kinh này công-đức nhiều hơn Phật Thích-Ca cúng dường vô số chư Phật.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ta nhớ trong quá khứ, về vô lượng vô số kiếp, trước thời Phật Nhiên-Ðăng, ta cúng dường và phụng thờ tám trăm bốn ngàn muôn ức vô số chư Phật. Nhưng về sau này, nếu có người thọ-trì đọc tụng Kinh này, thì công-đức của người này so với công-đức của ta cúng dường phụng thờ vô số chư Phật trước kia, công-đức của ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn, một phần ức của người này; cho đến dùng toán số hay thí dụ cũng không thể tính toán hay thí dụ được công-đức của người thọ trì Kinh này'.
44. Kinh này nghĩa lý không thể nghĩ bàn nên phước báo của người thọ trì Kinh này cũng không thể nghĩ bàn.
Phật dạy : 'Nếu ta nói hết công-đức của người thọ-trì đọc-tụng Kinh này, sợ e người nghe, tâm sanh cuồng loạn, hoặc nghi ngờ không tin.
Tóm lại, Kinh này nghĩa lý vô biên, không thể suy nghĩ và luận bàn, nên phước báo của người thọ trì Kinh này cũng không thể suy nghĩ và luận bàn'.
45. Ðây là lần thứ hai, Ông Tu-Bồ-Ðề hỏi lại Phật hai câu quan trọng.
Khi ấy, Ông Tu-Bồ-Ðề bạch Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Nếu có người phát tâm Bồ-đề, thì làm sao hàng phục vọng tâm và làm sao an trụ chơn tâm ?'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người phát tâm Bồ-đề, thì phải dụng tâm như vầy : Ta hóa độ tất cả chúng-sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng-sanh được độ. Tại sao vậy ? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng-sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát.
Tu-Bồ-Ðề ! Thật không có một pháp gì gọi là phát tâm Bồ-đề'.
46. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có đắc pháp với Phật Nhiên-Ðăng'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Về quá khứ, Như-Lai có đắc pháp Bồ-đề với Phật Nhiên-Ðăng không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai không có đắc pháp Bồ-đề với Phật Nhiên-Ðăng'.
Phật dạy : 'Ðúng như vậy, Như-Lai không có đắc pháp gì cả. Nếu Như-Lai có đắc pháp thì Phật Nhiên-Ðăng không thọ-ký cho ta rằng : Về sau, ông sẽ trở thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni'.
Phật dạy tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Có người nói : 'Như-Lai đặng quả Bồ-đề'. Thật ra, Như-Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như-Lai không đặng pháp gì cả.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai đặng đạo Bồ-Ðề, không phải hư, không phải thật'.
47. Phật nói : 'Tất cả các pháp đều là Phật Pháp'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói : 'Tất cả các pháp đều là Phật Pháp'. Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói các pháp, thật ra không phải các pháp, chỉ giả gọi 'các pháp'; cũng như thân Phật cao lớn, Như-Lai nói không phải thân Phật cao lớn, chỉ giả gọi 'thân Phật cao lớn'.
48. Phật phá cái chấp 'Bồ Tát có độ sanh'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu Bồ Tát còn chấp mình hóa độ vô số chúng-sanh thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy ? Vì thật ra không có một pháp gì gọi là Bồ Tát. Bởi thế nên Phật nói : 'Tất cả các pháp không ngã, không nhơn, không chúng-sanh và không thọ-giả'.
49. Phật phá cái chấp 'Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu Bồ Tát chấp rằng : 'Ta là trang nghiêm cõi Phật', thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy ? Như-Lai nói : 'Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, mới thật là trang nghiêm cõi Phật.
Tóm lại, nếu Bồ Tát không còn chấp ngã chấp pháp, Như-Lai mới gọi là 'thật Bồ Tát'.
50. Phật có đủ năm loại con mắt.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai có Nhục-Nhãn không ? Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai có Nhục-Nhãn'.
'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai có Thiên-Nhãn không ?'
'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai có Thiên-Nhãn'.
'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai có Huệ-Nhãn không ?'
'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai có Huệ-Nhãn'.
'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai có Pháp-Nhãn không ?'
'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai có Pháp-Nhãn.'
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai có Phật-Nhãn không ?'
'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai có Phật-Nhãn'.
51. Phật thấy biết hết tâm niệm của các chúng-sanh, trong hằng sa thế-giới.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Cát ở trong sông Hằng, Như-Lai có gọi là cát không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai cũng gọi là cát'.
Phật hỏi : 'Như một sông Hằng có vô số cát, rồi lấy mỗi một hột cát, để thí dụ một sông Hằng, thì có vô số sông Hằng. Trong vô số sông Hằng, mỗi một sông Hằng lại có vô số cát nữa, rồi đem vô số hạt cát trong vô số sông Hằng đó, lại thí dụ nữa, mỗi một hạt cát là một thế giới của Phật (Ðại thế-giới). Như thế, thế-giới của Phật có nhiều không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! nhiều lắm'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Tất cả chúng-sanh ở trong vô số thế giới như vậy có bao nhiêu tâm niệm, Như-Lai đều thấy biết tất cả'.
Phật dạy tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói tâm, không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là 'tâm'. Tại sao vậy ? - Vì tâm quá-khứ tìm không được, tâm hiện-tại tìm không được, tâm vị-lai cũng tìm không được'.
52. Phật phá cái chấp 'phước-đức nhiều'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy trong một đại thế-giới (một nghìn triệu thế-giới nhỏ) đem bố thí, người này được phước nhiều không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Nhiều lắm'.
Phật dạy : 'Nếu chấp phước đức này thật có, thì Như-Lai nói phước đức này không nhiều. Không chấp phước đức nhiều, Như-Lai mới nói là 'đặng nhiều phước đức'.
53. Phật phá cái chấp 'thấy sắc thân và tướng tốt của Phật là thấy Phật'.
Phật hỏi : 'Tu-Bồ-Ðề ! Ông có thể cho thấy sắc thân của ta đây là thấy được Phật không?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể cho thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật. Tại sao vậy ? Vì Như-Lai nói sắc thân, không phải thật sắc thân, chỉ giả gọi là sắc thân'.
Phật hỏi tiếp : 'Tu-Bồ-Ðề ! ông có thể cho thấy các tướng tốt (32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) của ta đây là thấy được Phật không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Không thể cho thấy các tướng tốt của Phật là thấy được Phật. Tại sao vậy ? Vì Như-Lai nói các tướng tốt, không phải thật tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt'.
54. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có thuyết pháp'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! ông chớ nên nghĩ rằng : 'Như-Lai có thuyết pháp'. Tại sao vậy ? Nếu người nào không hiểu lời của Phật dạy, lại nói rằng : 'Như-Lai có thuyết pháp', thì người ấy khinh báng Phật.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói 'thuyết pháp, tức là không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp'.
55. Phật phá cái chấp 'thật có chúng sanh'.
Khi đó, ông Tu-Bồ-Ðề thưa Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Ðời sau, nếu có chúng-sanh nào nghe đến Kinh Bát-Nhã, không biết họ có thể tin được không ?'. Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Chúng kia, không phải chúng-sanh, cũng không phải phi chúng-sanh. Tại sao vậy ? Như-Lai nói chúng-sanh, thật không phải chúng-sanh, chỉ giả gọi là 'chúng-sanh''.
56. Phật phá cái chấp 'Như-Lai đặng đạo quả vô thượng Bồ-Ðề'.
Ông Tu-Bồ-Ðề bạch Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Như-Lai có chứng đặng đạo quả Vô-thượng Bồ-Ðề không ?'. Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai không có một tí gì gọi là đặng đạo quả Vô-thượng Bồ-Ðề'.
57. Pháp này bình đẳng không có cao thấp.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng-sanh và không thọ-giả, tạm gọi là đạo vô-thượng Bồ-đề.
Tu-Bồ-Ðề ! Do tu tất cả các pháp lành mà đặng đạo vô-thượng Bồ-đề, Như-Lai nói pháp lành, không phải pháp lành, mới gọi là pháp lành'.
58. Phật nói công-đức của người thọ trì Kinh này không thể nghĩ bàn.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người đem 7 món báu, chất cao bằng các núi Tu-Di trong đại thế-giới (một nghìn triệu thế-giới nhỏ) để bố-thí, thì người này phước đức nhiều lắm.
Nhưng, nếu có người thọ-trì đọc tụng, hoặc giảng dạy Kinh Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật này, hoặc trọn quyển, hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì người này phước đức hơn người trước nhiều lắm. Phước đức của người trước không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, một phần ức của người này, cho đến dùng toán số không thể tính được, hay dùng thí-dụ cũng không thể thí-dụ được phước đức của người này'.
59. Phật phá cái chấp 'Như-Lai có độ chúng-sanh'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! ông chớ lầm tưởng : Như-Lai nghĩ rằng : 'Ta độ chúng-sanh'. Tại sao vậy ? Nếu Như-Lai có nghĩ : 'Ta độ chúng-sanh', thì Như-Lai còn chấp bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh, và thọ-giả, tức nhiên không phải Như-Lai. Bởi thế nên, Như-Lai thật không có độ chúng-sanh nào cả.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói 'ta', thật ra không có 'ta'; nhưng chúng phàm phu lại chấp có ta. Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói phàm phu, không phải phàm phu, chỉ giả gọi là phàm phu'.
60. Thấy 32 tướng tốt của Phật chưa phải là thấy được Phật.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! ông có thể cho thấy 32 tướng tốt của ta đây, là thấy được Phật không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Ðúng như vậy, thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật'. Phật dạy : 'Ông hiểu lầm rồi ! Nếu thấy 32 tướng tốt của ta đây, mà cho là thấy được Phật, thì vua Chuyển-Luân Thánh-Vương cũng có đủ 32 tướng tốt như ta, vậy vua Chuyển-Luân Thánh-Vương cũng là Phật hay sao ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Con hiểu ý Phật rồi, không thể cho thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy được Phật'.
61. Phật nói bài kệ phá cái chấp 'thấy Phật bằng sắc tướng, nghe Phật bằng âm thanh'.
Khi đó, đức Thế-Tôn nói tiếp bài kệ rằng :
Nếu thấy ta bằng sắc tướng
Nghe ta bằng âm thanh
Người này đi đường tà
Không thấy được Như-Lai.
62. Phật phá chấp 'Không' (tức là chấp đoạn diệt)
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! ông chớ nên nghĩ rằng : Như-Lai không thừa nhận thân tướng tốt đẹp này là thân Phật'. Tại sao vậy ? Nếu người phát tâm Bồ-Ðề mà nghĩ như vậy, thì mắc vào cái chấp 'đoạn diệt'. Tu-Bồ-Ðề ! Người phát tâm Bồ-đề, đối với các pháp, không nên chấp 'đoạn diệt' (chấp không).
63. Người ngộ 'Tất cả các Pháp không thật', phước đức nhiều hơn người bố thí vô số bảy báu.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có vị Bồ Tát dùng 7 món báu, đựng đầy trong hằng sa thế-giới, đem bố-thí ; và có vị Bồ-tát ngộ 'tất cả pháp không thật' (nhứt thế pháp vô ngã) và chứng đặng 'pháp-không' (pháp nhẫn) thì công-đức của vị Bồ Tát sau này, nhiều hơn vị Bồ Tát trước. Tại sao vậy ? Vì vị Bồ Tát sau này không lãnh thọ phước đức'.
Tu-Bồ-Ðề bạch Phật : 'Bạch Thế-Tôn ! Tại sao Bồ Tát không lãnh thọ phước đức'. Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Bồ Tát làm các việc phước đức, nhưng không thâm trước, nên nói Bồ Tát không lãnh thọ phước đức'.
64. Phật phá cái chấp 'Như-Lai cũng có đi, đứng, nằm, ngồi'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người chấp : Như-Lai cũng tới, lui, nằm, ngồi v.v.. thì người đó không hiểu nghĩa Như-Lai.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như-Lai'.
65. Phật phá cái chấp 'thật có vi-trần và thế-giới'.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người chẻ nhỏ Ðại-thiên Thế-giới (một nghìn triệu thế-giới nhỏ) thành vi-trần. Vậy số vi-trần này nhiều không ?'
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Nhiều lắm !'
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói các vi-trần, không phải thật vi-trần, chỉ giả gọi là vi-trần. Nếu các vi-trần thật có, thì Như-Lai không gọi là vi-trần (chỉ gọi cái tướng, do chẻ nhỏ thế-giới mà thành).
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói thế-giới, không phải thật thế-giới, chỉ giả gọi là thế-giới. Nếu thế-giới thật có, thì Như-Lai không gọi là thế-giới, mả chỉ gọi là cái tướng tổng-hợp của nhiều vi-trần.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói cái tướng tổng hợp (thế-giới) không phải tướng tổng-hợp, chỉ giả gọi là tướng tổng-hợp.
Tu-Bồ-Ðề ! Chúng phàm phu vì không biết đó là một cái tướng tổng-hợp của nhiều vi-trần, nên chấp là thật có thế-giới, rồi sanh tâm tham-lam luyến-ái v.v..'.
66. Phật phá chấp ngã.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người nói : 'Phật cũng nói ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh tướng và thỏ-giả tướng'. Vậy, người này có hiểu được nghĩa của Như-Lai nói không ?'.
Tu-Bồ-Ðề thưa : 'Bạch Thế-Tôn ! Người này không hiểu được nghĩa của Như-Lai nói. Tại sao vậy ? Vì Như-Lai nói bốn tướng : ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả, nhưng không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng ngã, nhơn, chúng-sanh và thọ-giả mà thôi'.
67. Phật phá chấp pháp.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Người phát tâm Bồ-đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả.
Tu-Bồ-Ðề ! Như-Lai nói 'các pháp', không thật có 'các pháp', chỉ giả gọi là 'các pháp'.
68. Phật tán thán công-đức thọ trì Kinh Kim-Cang Bát-Nhã.
Phật dạy : 'Tu-Bồ-Ðề ! Nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy vô lượng vô số thế-giới đem bố-thí. Và, nếu có người phát tâm Bồ-đề thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy Kinh này, trọn quyển hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì phước đức của người sau này nhiều hơn người trước.
Tại sao người thọ trì đọc tụng và giảng dạy Kinh này, phước đức nhiều hơn người trước ? Vì người này chẳng chấp thủ các tướng (ngã, pháp) nhập được thể-tánh Kim-Cang, như như bất động vậy'.
69. Phật nói bài kệ : Quán các pháp hữu-vi đều hư giả.
(Dịch âm nguyên văn) :
Nhứt thế hữu-vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
Dịch nghĩa :
Phải quán như thế này :
Tất cả pháp hữu-vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như điển chớp.
PHẦN LƯU-THÔNG
Phần truyền-bá lưu-thông.
Khi Phật nói Kinh này rồi, ông Trưởng Lão Tu-Bồ-Ðề, các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện-nam, tín-nữ, trời, người và thần A-Tu-La, đều tin thọ và hoan-hỷ vâng làm.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.15/1/2013 ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment