Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải |
Đức Phật Thích Ca và chư Phật mười phương cùng phóng ra ánh sáng báu có nghĩa là tất cả chư Phật cùng nói lên Chân lý. Bởi vì đã là Chân lý thì Phật Thích Ca hay bất cứ vị Phật nào cũng đều nói y như vậy, không sai khác. Cái trí tuệ của bậc giác ngộ thì cao siêu vô cùng vô tận mà trên thế gian này không có thứ trí tuệ nào có thể sánh bằng. Chúng sinh thì cũng có cái trí tuệ này tức là có Phật tánh cũng như chư Phật, nhưng ở chúng sinh cái trí tuệ kia bị lu mờ, không sáng tỏ vì bị màn vô minh quá dày che lấp. Do đó ngày nào lau sạch bụi vô minh, khói phiền não thì chúng sinh sẽ phục hồi lại cái trí tuệ sáng suốt của mình. Con người sống trong thế gian phải đối diện với bao nỗi nghiệt ngã của vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh nên lúc nào cũng dính liền với phiền não, khổ đau. Kinh điển Phật giáo thường dùng chữ “Cõi Ta bà” để chỉ cho cái thế giới của chúng ta đang sống.
Vậy thế nào là cõi Ta bà? Cõi Ta bà được dịch từ Hán tự là “kham nhẫn” nghĩa là bất cứ chúng sinh nào sống trong cõi Ta bà là phải cam tâm nhẫn chịu biết bao tham, sân, si, mạn, nghi, hơn thua phải quấy, vui mừng hờn giận, tốt xấu, thật giả…ngay cả hài lòng hay không hài lòng cũng phải chấp nhận. Nhưng đoạn kinh trên dạy rằng “cõi Ta bà bỗng nhiên không hiện” có nghĩa là lúc bấy giờ thân tâm có an lạc, tâm hồn trong sáng thanh thoát tự tại, có khinh an nên tất cả những cảnh tượng buồn phiền đau khổ biến mất đâu còn. Nói cách khác khi cảnh phiền não khổ đau, bất toại ý không còn nữa thì cũng như cõi Ta bà biến mất chớ thật ra Đức Phật đâu có dùng thần thông làm biến mất trái đất này được. Khi chúng sinh có tâm thanh tịnh, có khinh an tự tại thì ngay cảnh giới họ đang sống cũng y như cảnh giới an lạc Niết bàn của mười phương chư Phật. Đó chính là “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” tức là tâm an thì cảnh an, tâm bình thì thế giới bình.
Vì thế nếu chúng sinh có tâm thanh tịnh, sống với bốn đức Thường, Lạc, Ngã , Tịnh và thể nhập bản giác tịnh minh thì họ nhìn đâu cũng là hoa thanh thoát dịu dàng và nghe gì cũng là nhạc êm đềm an lạc. Phật phóng ra thập phương hư không đủ màu thất bảo có nghĩa là trí tuệ giác của Phật là trí tuệ tuyệt trần vô thượng chẳng có thứ trí tuệ nào hơn được. Đừng nghĩ rằng thất bảo ở đây là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, trân châu, san hô, mã não. Đây chỉ là “văn dĩ tải đạo” nghĩa là lời văn chỉ dùng để chuyên chở những ý nghĩa thâm sâu ở bên trong. Nên nhớ chư Phật, chư Bồ Tát không cần những thứ vật chất giả tạm, phù du đó cho nên thất bảo đối với các Ngài cũng như cỏ rác, chẳng có giá trị chi cả.
Phật bảo Bồ Tát Văn Thù rằng :
- Ông hãy xét nghiệm thành quả tu chứng “viên thông” của 25 vị Bồ Tát và Thanh Văn vừa đã trình bày. Vẫn biết rằng lục căn, lục trần, lục thức, thất đại đều là những dữ kiện tu chứng viên thông, nhưng nay Như Lai muốn cho ông A Nan nghe và nhận xét để tự chọn một pháp môn tu thích hợp. Như Lai cũng cần một pháp môn phương tiện để dạy cho chúng sinh mạt thế cõi Ta bà, những người đại thừa cầu vô thượng đạo một phương pháp tu hành hiệu quả tốt, chóng thành công phổ biến cho mọi căn cơ sau khi Như Lai diệt độ.
Đức Phật là đấng toàn giác thì không lẽ Ngài không biết pháp môn nào là thù thắng, ưu việt giúp cho hàng căn cơ hạ liệt làm nhân địa tu chứng hay sao? Nhưng tinh thần dân chủ khách quan là một biểu tượng cao quý nhất của Phật giáo vì thế thay vì Ngài chọn cho ông A Nan và đại chúng một pháp môn thù thắng để tu thì Ngài dành vai trò này cho Văn Thù Bồ Tát. Ngày nay các vị lãnh tụ trên thế giới cũng noi theo tinh thần khách quan này mà lắng nghe mọi khuynh hướng, tư tưởng trước khi đi đến quyết định sau cùng. Vì thế càng học Phật Pháp, chúng sinh càng phát huy tối đa tinh thần bình đẳng cao quý và khả năng nhận thức khách quan vô ngã vị tha cao thâm huyền diệu của đạo Phật. Sống trong thế giới tương đối, cùng một hiện tượng nhưng một người cho đó là đúng còn kẻ khác lại cho là sai, do đó, văn tự ngôn ngữ không đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo. Cứu cánh cho người tu Phật là sự thực chứng, sự thấu biết tột cùng mà không có lời nói hay văn tự nào có thể diễn tả được. Vì vậy hễ có nói là có sai, còn chủ quan chấp trước nên Đức Phật không muốn nói mà chỉ yêu cầu Ngài Văn Thù đại diện cho mình mà giới thiệu pháp môn nào thích hợp nhất cho mọi căn cơ để tu tập.
Bồ Tát Văn Thù vâng từ chỉ của Phật cung kính chấp tay, nói bài kệ kính dâng lên Phật :
Biển giác tánh lặng trong
Vốn nhiệm mầu trong sáng
Tất cả mọi chúng sinh không phân biệt màu da chủng tộc đều có sẵn cái Phật tánh sáng suốt nhiệm mầu như nhau nên gọi là biển giác. Do đó nếu chúng sinh chỉ cần phát huy Phật tri kiến của mình tức thì mình là Phật chớ còn tìm Phật ở đâu. Do đó toàn bộ giáo lý Đức Phật không ngoài mục đích chỉ dạy chúng sinh hội nhập Phật tri kiến để thấy và sống với chơn tâm, Phật tánh của chính mình. Ngày nay trên khắp thế giới, người đệ tử Phật thay vì chú tâm tu học để thấy được Phật tâm, Phật tánh linh thiêng huyền diệu của mình thì họ lại chạy theo Phật tướng bên ngoài. Phật dạy : ”Phàm hữu sở tướng giai thị hư vọng” nghĩa là cái gì có hình tướng là giả tạo, vô thường, sinh diệt cho dù con người có gọi là Phật ngọc, Phật vàng thì cũng là sinh diệt, biến hoại. Chỉ có Phật tâm, Phật tánh của chính mình mới chính là tánh giác diệu minh trong sáng huyền diệu, bất sanh bất diệt mà thôi.
Phật năng thanh tịnh huyền diệu nhiệm mầu thì con người lại bỏ quên mà đi cầu Phật sở sinh diệt, vô tri vô giác bên ngoài. Nếu cục đá kia thật sự có linh thiêng như họ tin tưởng thì tự nó biến thành tượng Phật chớ đâu cần bàn tay con người đập, đẽo, chùi, mài. Đức Phật Thích Ca chỉ là một đấng toàn giác, là vị vô thượng đạo sư chớ Ngài không phải là đấng thần linh thì cục đá vô tri kia làm sao linh thiêng để phù hộ, gia bì cho ai được. Còn Phật ngọc linh thiêng mầu nhiệm nhất trên thế gian này thì lúc nào cũng ở trong tâm của mình mà mình lại bỏ quên để đi tìm Phật đá bên ngoài. Nếu Phật ngọc thật sự mang lại được hòa bình cho thế giới thì tại sao không thỉnh tượng Phật ngọc sang Iraq hay A Phú Hản để con người đừng giết hại lẫn nhau? Các vị Lạt Ma tin vào cầu nguyện thì tại sao các Ngài không cầu nguyện tượng Phật ngọc để Trung Cộng trả đất lại cho người dân Tây Tạng?
Chúng sinh kính ngưỡng hình tượng Đức Phật vì Ngài là biểu tượng cho từ bi trí tuệ, là vị thầy cao cả, là đấng vô thượng đạo sư, người đã đem ánh đạo vàng gieo khắp thế gian giúp cho nhân loại thoát khỏi khổ ách của phiền não vô minh mà đạt tới cứu cánh tột đỉnh là an lạc thanh tịnh Niết bàn. Theo tinh thần Phật giáo thì chính con người phải tự mình giải quyết những vấn đề như chiến tranh hay hòa bình, hạnh phúc hay khổ đau của chính mình. Chiến tranh hay hòa bình là do con người quyết định chớ không dính dấp gì tới Phật trời cả. Nếu con người biết sống khoan dung độ lượng để biết thương yêu nhau thì họ biến chiến tranh thành hòa bình, ngược lại nếu các nhà lãnh đạo chạy theo những tham vọng đen tối thì từ hòa bình thành chiến tranh giết chóc thế thôi.
Đức Phật Thích Ca đã khẳng định rằng Ngài chỉ là một đấng đạo sư, chứ không phải là đấng cứu thế, đấng thần linh vì thế đạo Phật là con đường giúp chúng sinh tự mình chứng ngộ chân lý, tự mình có được giải thoát giác ngộ chứ Phật không cứu rỗi, độ cho bất cứ ai. Bồ-đề, Niết bàn là do chúng sinh tự hóa giải hết vô minh phiền não mà có chứ không phải do Phật, Bồ-tát ban tặng. Bớt một phần vô minh thì có một phần Bồ-đề, hóa giải một phần phiền não thì có một phần an lạc Niết bàn. Đức Phật hy sinh cả cuộc đời vương giả, không ngại dầm mưa giải nắng, cực khổ gian lao để đi tìm chân lý. Đến khi thành đạo Ngài đã đem ánh đạo vàng gieo khắp các nơi, đem nước từ bi rưới xuống cứu độ chúng sinh để “lìa khổ được vui” không phân biệt là cung vua phủ chúa hay mái tranh nghèo của người nông phu vì thế không có nơi nào ở Ấn Độ mà không có dấu chân Phật. Nếu đây không phải là “Tha lực Phật” đã gia bị cho chúng sinh thì là gì? Nhưng trong Phật giáo không hề có việc ân sủng cứu rỗi vì nó đi ngược lại với quy luật nhân quả phát triển khách quan của tất cả vạn hữu trong vũ trụ.
Tánh bản minh chiếu ra như “sở”
Chấp tướng “sở” mất tánh bản minh
Cội nguồn của tất cả mọi vô minh phiền não mà chúng sinh gánh lấy bắt đầu từ Năng và Sở. Nhưng trong tánh giác minh không hề có tướng “Năng” tướng “Sở”. Con người được cấu tạo bởi ngũ uẩn cho nên có sáu căn và phát ra cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết thì gọi là chủ thể phân biệt mà kinh này gọi là Năng phân biệt. Thí dụ con mắt thấy sắc tức là mắt thấy cái nhà, cái xe…thì đây là năng phân biệt của mắt. Rồi sau đó mới có phân biệt đẹp, xấu, lớn nhỏ…thì gọi là Sở phân biệt. Thí dụ tai nghe bản nhạc thì biết hay biết dở thì cái hay, dở này là sở phân biệt của căn tai. Vì có Năng có Sở nên phiền não vô minh dấy khởi bởi vì cái gì mình cảm tình, bằng lòng thì chấp thủ, bám lấy còn cái gì mình không hài lòng thì chán ghét…vì thế trong tâm chất đầy phải quấy, tốt xấu, hơn thua, lấy bỏ, thiện ác….Do đó, Năng, Sở là nguyên nhân gây ra sự u buồn đau khổ cho chúng sinh.
Vì thế mà phần Quán Tưởng đảnh lễ Phật trong kinh Nhật Tụng có câu :
“Năng lễ, sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”.
Nói về sự tướng thì chúng sinh là Năng lễ còn hình tượng của Phật là Sở lễ tức là chúng sinh lạy hình tượng Đức Phật là biểu thị lòng tin của người Phật tử đối với đấng đạo sư vô thượng. Nhưng đứng về bản thể thì “Tánh không tịch” là lễ lạy mà coi như không lễ lạy bởi vì tuy người Phật tử (năng lễ) có lễ lạy hình tượng Đức Phật (sở lễ) bởi vì Phật là đấng giác ngộ, là ngọn đuốc tuệ giúp chúng sinh thoát ra khỏi vô minh khổ ách. Nhưng nếu chúng sinh quay về với thể tánh thanh tịnh tức là sống với Phật tâm, Phật tánh của chính mình thì tâm mình chính là tâm Phật rồi chớ còn lễ lạy ai nữa cho nên nói là lễ Phật mà như không có lễ lạy gì hết. Do đó chỉ khi nào chúng sinh thấy được tánh không, sống được với chơn tâm, Phật tánh của chính mình thì lúc đó mới “cảm ứng đạo giao nan tư nghì” nghĩa là tâm chúng sinh và tâm Phật trong mười phương pháp giới bây giờ hòa nhập mà trở thành một không thể diễn bày được. Đó là chơn tâm trùm khắp vậy.
Chấp tướng “sở” là thấy sắc chạy theo sắc, nghe thanh luyến theo thanh… nên mới khen chê, lấy bỏ nghĩa là con người không làm chủ được sáu căn của mình mà chạy theo sáu trần nên phiền não vô minh phát tác thì tánh bản minh trong sáng thanh tịnh dĩ nhiên biến mất, đâu còn.
Do phân biệt vọng thấy hư không
Tựa hư không hình thành thế giới
Vì có sự phân biệt năng sở nên thấy không mà cho là hư không, nhưng thật ra cái không này là chơn không diệu tánh thanh tịnh bản nhiên và cũng là cội nguồn để phát sinh ra tất cả vạn hữu vũ trụ. Đó chính là chơn không mà diệu hữu tức là bất biến tùy duyên nghĩa là từ cái chơn không vô hình vô tướng đó mà phát sinh ra cái thế giới hữu hình có sinh có diệt. Vì vậy Tâm Kinh có câu : ”Sắc tức là Không và Không chính là Sắc”. Hay nói theo kinh Lăng Nghiêm là “Tánh sắc chơn không, Tánh Không chơn Sắc” là vậy.
Chủng tử vô tri thành cõi nước
Sắc tâm minh liễu tức nhơn sinh
Do tánh đồng dị mà các chủng tử có hấp lực để tác tạo. Thí dụ như thế gian có các loài vô tình chúng sinh như mặt trời, mặt trăng, cỏ cây, hoa lá…và loài hữu tình chúng sinh như con người và các loài động vật khác. Nhưng tất cả cũng từ cái không mà duyên khởi tạo tác và sau đó cũng trở về với cái không thanh tịnh ban đầu. Nói tóm lại, chủng tử vô tri giác hợp lại thành ra thế giới và những chủng tử hữu tri giác thì kết tập tạo thành hữu tình chúng sinh.
Hư không sanh trong “Đại giác”
Như bong bóng nổi giữa đại dương
Đại giác là nói về tâm tánh của con người. Tuy cái bầu hư không to lớn bao la, nhưng cái tâm đại giác thì nó bao trùm hết cả cái bầu hư không đó một cách gọn ghẽ và trọn vẹn cũng giống như những bong bóng nổi giữa đại dương, không biết bao nhiêu mà kể. Thế thì cái tâm đại giác tức là chơn tâm, Phật tánh thì bao la vô cùng vô tận, vô bờ vô bến trùm khắp tất cả.
Có vị học giả chẳng những am tường tất cả những tư tưởng triết lý trên thế gian mà ngay cả Phật giáo ông cũng thấu hiểu rất uyên thâm. Một hôm đến tham vấn một thiền sư rằng :
- Bạch Hòa thượng! Tôi đã đọc rất nhiều lần mà vẫn chưa tỏ ngộ tại sao trong kinh Duy Ma Cật, ông Duy Ma Cật có thể đem ba mươi hai ngàn tòa sư tử vào trong cái tịnh thất của ông? Hoặc ông lấy núi Tu Di rộng lớn thế ấy mà để vào trong hạt cải được?
Thiền sư hỏi lại ông :
- Ông là bậc học giả uyên thâm thì chắc chắn ông đọc rất nhiều kinh sách có phải vậy không?
- Dạ đúng vậy.
- Vậy kinh sách ông đọc qua nhiều như cái thư viện mà thân ông cao chỉ khoảng hơn một thước rưỡi thế thì những kinh sách kia ông chứa ở đâu?
Vị học giả bấy giờ thức tỉnh lạy tạ lui ra.
Cái tâm của chúng sinh thì rộng lớn bao la vô cùng vô tận, không giới hạn cho nên tuy thế giới vũ trụ rộng lớn thế nào thì cái tâm rộng lớn như thế ấy. Vì thế ba mươi hai ngàn tòa sư tử hay núi Tu Di cũng ví như một hạt cát trong bải cát của sông Hằng, chẳng có gì là to lớn cả.
Cõi nước hữu lậu như vi trần
Sanh khởi trong bầu hư không ấy
Vì cái bầu hư không quá rộng lớn cho nên tất cả các thế giới hữu lậu tuy rất nhiều không kể xiết, nhưng vẫn nằm gọn trong cái bầu hư không ấy. Tại sao? Bởi vì cái có là từ cái không mà ra cho nên nếu không có cái chơn không thì làm sao diệu hữu một cách nhiệm mầu thành ra thế giới được. Nhắc lại tuy hư không có rộng lớn như thế, nhưng nó vẫn còn nằm gọn trong đại giác như những bong bóng nổi giữa đại dương. Vì thế cái tâm của con người tức là đại giác thì rộng lớn bao la vô cùng vô tận, trùm khắp cả hư không, không bờ không bến. Cái tâm nầy chính là Như Lai Tạng bản thể tức là tập khởi tâm (A lại da) để tích tập và duyên khởi tạo thành muôn sinh vạn vật. Còn cái tâm hằng ngày của chúng sinh là vọng tâm sinh diệt, có đến có đi thuộc về loại khách trần phiền não biểu hiện qua vọng tâm chớ không phải là bản tâm, chơn tâm thanh tịnh. Vậy tâm và tánh khác nhau ở chỗ nào? Tâm là cái diệu dụng của tùy duyên còn tánh là cái bản thể của bất biến.
Thí dụ như tâm kếp tập duyên khởi tạo thành các loại chúng sinh từ vô tình đến hữu tình. Trong loài hữu tình chúng sinh thì loài người là có tánh linh tức là có ý thức phân biệt nên được xem là cao cả hơn hết. Tuy nhiên trong nhân loại cũng không đồng đều tùy theo căn nghiệp của họ cho nên có người thông minh mà cũng có người chậm hiểu, đó là cái dụng của tâm. Tuy căn nghiệp có chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào đi chăng nữa thì trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có cùng Phật tánh cho nên mọi người đều có khả năng trở thành Phật. Đây là cái thể của bất biến. Vì thế nếu chúng sinh có kiến tánh nghĩa là thấy được thật tánh của con người thì gọi là Phật tánh còn thấy được thật tánh của vạn pháp thì gọi là Pháp tánh.
Hư không chưa ví tày nước bể!
Thì sá chi ba cõi vốn bọt bèo
Hư không thì bao la vô cùng vô tận cũng như nước biển của đại dương. Thế mà cái hư không đó chẳng thể nào so sánh được với cái không cùng không tận của chơn tâm, Phật tánh. Cái tánh giác rộng lớn như thế thì ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới ví cũng như bọt bèo trong biển. Vậy thế nào là ba cõi? Chúng sinh đừng hoài công ảo huyền mà nghĩ rằng trong vũ trụ bao la có cõi này cõi nọ mà thật ra ở bất cứ nơi nào có chúng sinh là có ngay ba cõi ở đó. Người nào còn tham dục, thực dục và dâm dục nhiều thì người đó đang ở trong cõi dục. Còn ai tự tại trước những vật chất mình đang thọ hưởng nghĩa là có mà như không, không dính mắc, không bị lôi cuốn thì họ đang sống trong cõi sắc.
Còn những ai tưởng tượng những chuyện ảo tưởng hoang đường, ngồi thiền để xuất hồn đi gặp ông này bà nọ, nói chuyện với Phật trời, với Quan Âm thì tuy họ đang ở thế gian, nhưng coi như đang ở cõi vô sắc. Họ cầu nguyện hồn ma bóng quế, lên đồng nhập cốt tức là tin tưởng vào một thế giới ảo huyền, không có thật tức là cõi vô sắc. Nói cách khác, nói tam giới, nhưng sự thật làm gì có tam giới mà chỉ có ở trong tâm của những người còn chạy theo tham đắm dục tình, chạy theo vô minh phiền não. Còn người biết giữ gìn Chánh Pháp, sống đúng với Chánh Pháp thì làm gì có tam giới. Ngày xưa chư Tổ dạy rằng nếu muốn có chánh định thì hành giả phải quay về những chỗ thanh vắng, yên tịnh để có nhiều thì giờ tư duy quán chiếu, thực hành thiền mà tỏ ngộ được tận nguồn chân lý. Có được như vậy mới đốn ngộ thẳng vào chánh nhân thành Phật được. Thực hiện được như vậy là đánh đổ cả tam giới và 25 cõi vì đối với người có tâm rỗng rang tự tại thì không có cõi gì cả. Nói cách khác khi đạt được đạo thì Pháp giới là nhất chơn nên chẳng còn cái gì là tam giới, hay 25 cõi.
Về nguồn không hai đích
Phương tiện có nhiều đường
Tuy giáo pháp Như Lai có tới 84.000 phương tiện, nhưng tựu trung cũng nhắm thẳng vào một cứu cánh duy nhất là giải thoát giác ngộ. Cũng như khi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thì có rất nhiều con đường dẫn lên núi, nhưng nếu bây giờ nhìn từ dưới đất nhìn lên thì chỉ có một đỉnh núi cao mà thôi. Vì thế phương tiện là nhân mà giải thoát giác ngộ mới là cứu cánh. Do đó chúng sinh tùy theo sở nguyện của mỗi người mà tu thiền, tu tịnh, tu mật, tu giáo, tu chùa, tu nhà, tu chợ, tu trong sở làm…nhưng cứu cánh vẫn là làm sao đạt được tâm thanh tịnh mà có giải thoát Niết bàn.
Quả chứng chẳng ngại nhau
Thuận nghịch là phương tiện
Trong Phật giáo, không có gì là chứng đắc cả bởi vì cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng qua là khả năng đoạn trừ vô minh phiền não để trở về sống với con người thật tức là bản lai diện mục của chính mình. Thật ra trước khi chứng đắc, chúng sinh đâu có vô minh phiền não, nhưng dần theo thời gian cái bụi trần bám víu mỗi ngày một chút nên con người sống xa dần với chân tánh, với chơn tâm Phật tánh sáng suốt nhiệm mầu của mình. Vì vậy tu hành thì nhà Phật gọi là hồi đầu thị ngạn tức là quay thuyền trở lại bến xưa chớ thật ra có tu hành gì đâu. Khi nào chúng sinh phủi sạch bụi vô minh, bặm phiền não thì tự tánh Bồ Đề và Niết Bàn hiển lộ. Vì thế Tâm Kinh dạy rằng : ”vô Trí diệc vô Đắc” là vậy. Thí dụ cũng như người vì nghe lời dụ dỗ mà bỏ nhà đi hoang nên cuộc sống khổ cực lầm than, bây giờ thức tỉnh tìm đường quay về nhà cũ lối xưa. Lúc đó khổ cực không còn, lầm than biến mất mà có tự tại, an lành thì gọi là hạnh phúc. Nhưng nghĩ lại trước khi bỏ nhà đi thì họ đã có hạnh phúc viên mãn chớ đâu phải khi về trở lại thì mới có cái hạnh phúc này.
Sơ tâm vào tam muội
Mau chậm chẳng đồng nhau.
Con đường tiến về giải thoát giác ngộ tuy chỉ có một, nhưng căn tánh chúng sinh vốn bất đồng nên có kẻ ngộ nhanh, có người ngộ chậm. Lục Tổ mới nghe qua câu : ”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngài liền ngộ đạo, ngược lại Thiền sư Thần Tú thì nhìn “Thân như cội Bồ Đề”. Vì vậy nhanh hay chậm trong đạo Phật là không quan trọng, mà quan trong nhất là chúng sinh biết mình có đi đúng đường bởi vì có đi mới có đến. Thí dụ ngày nay có máy bay nên con người đi lại tương đối dễ dàng, nhưng ngày xưa bằng tàu thủy, con người vẫn có thể khám phá ra năm châu bốn bể như thường.
< Prev | Next > |
---|
No comments:
Post a Comment