Wednesday 12 June 2013

Thầy Tuệ Sỹ trả lời câu hỏi “có hay không có thế giới Tây phương Cực lạc?”

Phật tử hỏi: Bạch Ôn, con nghe quý Thầy giảng về kinh A Di Đà, có Thầy giảng là có nước Tây phương Cực lạc, có Thầy giảng là không có nước Tây phương Cực Lạc. Con kính mong Ôn giảng cho con hiểu hơn về vấn đề này để con có thể chia sẻ với các bạn bè thân hữu của con.

Thầy Tuệ Sỹ trả lời (Nguyên Lộc lược ghi): Phật giáo có nhiều Tông phái, nên không những có hai, mà có ba hoặc bốn xu hướng khác nhau về vấn đề này.

Thứ nhất, những người tu theo truyền thống Theravada (thường gọi là Nam tông - NL) chỉ chấp nhận có một đức Phật Thích Ca thôi. Và theo truyền thống này, trước đức Phật Thích Ca chỉ có mấy mươi đức Phật trong quá khứ nữa thôi, đức Phật đầu tiên là đức Phật Nhiên Đăng. Thậm chí, ngay trong truyền thống Theravada, nhiều vị có cái nhìn lịch sử một cách cực đoan, cho rằng, đức Phật Nhiên Đăng cũng là đức Phật của sảm phẩm được thêm vào trong thời gian sau. Vì rằng trong kinh Nguyên thủy, A-hàm (chữ Hán) và Nikāya (Pāli), kể cả một số kinh điển cơ bản gần với Nguyên thủy mà người ta phát hiện gần đây bằng tiếng Phạn, không nhắc tới các đức Phật khác, chỉ một đức Phật Thích Ca. Thành ra các vị y kinh giải nghĩa, cho rằng không có chỗ nào trong kinh điển Nguyên thủy ghi chép về đức Phật A Di Đà và thế giới Tịnh độ, nên không tin có Phật A Di Đà và thế giới Tịnh Độ. Đó là cái tự do tư tưởng của họ.

Thứ hai, những vị cho rằng có Phật A Di Đà và thế giới Tịnh Độ, cũng khó chứng minh được, chỉ dựa vào tín tâm và trực giác của mỗi người mà thôi. Lịch sử phát triển Pháp môn niệm Phật A Di Đà và vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc cũng xuất hiện sau này. Còn nguyên thủy, đức Phật nói thế nào chúng ta không biết. Nhưng thật ra, không phải tất cả những gì đức Phật giảng nói trong suốt thời gian từ khi đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề đến lúc Ngài niết-bàn tại thành Câu-thi-la, đều được ngài A-nan ghi nhớ và đều được kết tập trong Đại hội kết tập kinh điển ở thành Vương Xá, do ngài Đại Ca-diếp thủ tọa đâu. Thường thì chúng ta cho rằng, tất cả buổi thuyết giảng hay nói chuyện của đức Phật với tất cả tứ chúng, xuất gia và tại gia, đều có sự tham dự của ngài A-nan, hoặc nếu ngài A-nan không tham dự, thì sau đó, đức Phật cũng giảng lại cho ngài A-nan nghe và nghi nhớ. Đây cũng chỉ là một cách giải thích thôi, chứ chưa chắc những gì Phật nói, ngài A-nan điều nghe và ghi nhớ hết. Có nhiều trường hợp, trong Luật có ghi, đức Phật chỉ giảng riêng cho một số Tỳ-kheo thôi. Như câu chuyện của 30 Tỳ-kheo A-lan-nhã. Trong một lần, đức Phật nhập thất tại Kosambi (Kiều-tát-la), Ngài chỉ dạy, chỉ ngài A Nan có thể gõ cửa dâng cơm cho đức Phật thôi; ngoài ra, tất cả tỳ-kheo khác không ai được phép gõ cửa phòng đức Phật. Trong thời gian này, 30 Tỳ-kheo A-lan-nhã (ngài Tu-bồ-đề cũng là tỳ-kheo sống đời sống A-lan-nhã) đến tinh xá, và xin gặp đức Phật. Ngài A Nan và chúng tỳ-kheo ở đây ngăn lại, vì thời gian này, đức Phật đang nhập thất. Tuy nhiên, các tỳ-kheo này được đức Phật đặc ân có thể gặp đức Phật bất kỳ lúc nào. Vì họ là những Tỳ-kheo sống trong rừng, sống đời sống A-lan-nhã, tu hành khổ hạnh (không phải khổ hạnh như ngoại đạo, mà tu theo những phương pháp khổ hạnh được đức Phật tán thán), rất ít khi vào xóm làng, và rất ít có dịp được gặp đức Phật; có khi, 10 năm, họ mói có dịp gặp đức Phật một lần. Nên khi đức Phật biết họ đã đến tinh xá, Ngài nói với ngài A Nan mời họ vào trong tịnh thất của đức Phật. Trong lúc tiếp riêng họ, đức Phật nói gì không ai nghe, ai biết. Cho nên nói rằng, những gì kinh điển không ghi lại, tức là Phật không nói thì chưa chắc là đúng. Trường hợp thứ hai, câu chuyện hai thương nhân lễ bái và cúng dường đức Phật khi Ngài mới thành đạo, dưới gốc cây Bồ Đề. Kinh sách ghi là do chư thiên hướng dẫn họ tới nghe pháp. Họ là thương gia, nên người ta hiểu họ chỉ biết buôn bán, lợi lộc, không biết gì nhiều về triết lý. Nên trường hợp hai thương nhân này, theo sử kể, họ chỉ đến lễ bái và cúng dường Phật và được đức Phật cho một nhúm tóc và móng tay để đem về lễ bái, cúng dường thôi. Đây là cách kể của người thông thường. Hai thương nhân này gặp đức Phật ngay sau khi Ngài thành đạo, không đơn giản tình cờ và chỉ cúng dường lễ bái. Có thể đức Phật đã giảng pháp cho họ, mà nội dung bài pháp đức Phật giảng gì, chúng ta không biết, có thể có nội dung cao siêu cũng có. Phật giáo Đại thừa cho rằng, ngay giai đoạn này, đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm. Về mặt lịch sử, chúng ta không thể nói rằng, tất cả những gì kinh điển ghi lại đều đúng hết, và đủ hết lời Phật dạy. Đó là chưa kể, tất cả những người ghi lại kinh điển không phải đều là những bậc Thánh, mà Thánh cũng không phải là bậc Đại Thánh như ngài Xá-lợi-phất, mà ngài Xá-lợi-phất chưa hẳn đã nghe hết những gì đức Phật giảng nói. Cho nên nói rằng tất cả những gì đức Phật giảng dạy đều kết tập đầy đủ trong Tam tạng kinh điển Nguyên thủy thì không đúng. Kinh điển ghi nhiều trường đức Phật chỉ giảng riêng cho một số vị Tỳ-kheo, và Ngài không giảng lại bài pháp đó cho ai khác nghe. Kể thêm trường hợp đức Phật nói chuyện riêng với một tỳ-kheo, đệ tử của ngài Ca-chiên-diên. Khi thầy này đến thăm đức Phật, đức Phật bảo ngài A-nan dọn phòng cho thầy này ở gần phòng Ngài. Ngài A-nan biết thầy này là một tỳ-kheo đặc biệt. Tại vì Phật bảo như vậy, là đức Phật muốn nói chuyện riêng với thầy này. Đến khuya đức Phật thức dậy, thầy này sang phòng Ngài, nghe đức Phật giảng dạy. Trong kinh có ghi nội dung buổi nói chuyện và ghi là có ngài A-nan tham dự. Nhưng thực sự, đức Phật có thể nói nhiều điều với thầy này mà ngài A-nan không nghe được, hoặc có thể nghe, mà cũng không nghe hết được. Kể những trường hợp này, là để nói, đừng cho rằng những gì không ghi chép trong kinh Nguyên thủy, thì không phải Phật dạy.

Trong kinh A Di Đà, mô tả khoảng cách bao nhiêu cây số từ thế giới Ta-bà đến thế giới Tây phương Cực lạc chỉ là con số cụ thể để chúng ta suy nghĩ, những con số tượng trưng, chứ không đơn giản như vậy. Một thế giới của một Phật gồm ba nghìn đại thiên thế giới. Mỗi thế giới của mỗi đức Phật chi phối bởi một luật tắc, luật duyên khởi chẳng hạn. Và ví dụ như thế giới này, chúng ta quan hệ giao tiếp với nhau chính yếu bằng ngôn ngữ. Còn thế giới của đức Phật khác thì quan hệ giao tiếp bằng cách khác, chẳng hạn như thế giới Hương Tích, trong kinh Duy-ma-cật, người ta giao tiếp bằng hương thơm, họ chỉ cần phát ra hương thơm là người khác có thể hiểu được thông tin cần chuyển tải của họ. Đức Phật ở cõi Hương Tích cũng giảng pháp bằng hương thơm. Có nhiều phương tiện để quan hệ giao tiếp, mà chúng ta không biết. Ngay trong thế giới này, nhiều loài sinh vật khác, quan hệ giao tiếp với nhau bằng nhiều cách khác nhau, tất nhiên, những động vật gần gũi với con người như trâu bò, chó, mèo, v.v.., thì cũng quan hệ giao tiếp với nhau bằng âm thanh, nhưng có những loại sinh vật nhỏ hơn, có thể quan hệ giao tiếp với nhau bằng loại phương tiện khác. Chúng ta không biết hết được. Còn về thế giới khác. Gần đây, nhà Khoa học nổi tiếng người Anh, ông S. Hawking, tuyên bố ngoài hành tinh chúng ta đang sống, còn nhiều hành tinh khác cũng có sinh vật sinh sống. Sinh vật ở đó có thể thông minh hơn con người ở trái đất này. Và ông cảnh báo con người ở trái đất này phải thận trọng khi tiếp cận với sinh vật ở những hành tinh khác, vì họ có thể gây nguy hiểm cho con người ở hành tinh này (gần đây hơn, ông cảnh báo, con người ở hành tinh này phải tìm kiếm sự sống ở những hành tinh khác, để có thể di tản đến đó mà sống, vì theo diễn biến khí hậu và nhiều thứ của hành tinh này, chỉ khoảng chừng 200 năm, con người ở đây sẽ hết tài nguyện và năng lượng để sinh sống, sẽ dẫn đến hỗn loạn – NL). Sinh vật ở thế giới khác thông minh hơn con người chúng ta, thì họ cũng có thể hạnh phúc hơn chúng ta, hoặc ngược lại, cũng có thể khổ đau hơn chúng ta. Cũng có nghĩa là ngoài thế giới này, còn vô số thế giới khác, cũng có chúng sanh đang sống; có vô số thế giới, thì cũng có vô sô chư Phật. Các nhà khoa học nổi tiếng thường thì họ có cái trực giác cao, bằng trực giác của một nhà khoa học, họ chuẩn đoán vậy thôi, đúng sai thế nào, mình cũng chẳng thể chứng minh được. Thành ra, thế giới Phật A Di Đà có hay không thì không biết, nhưng mà ngay cả nhà khoa học cũng chưa chắc bác bỏ. Ngày nay, có nhiều nhà khoa học vẫn tin là có thế giới Cực lạc, vì họ căn cứ theo những quy luật vận hành của vũ trụ, nên họ tin có thể có. Thậm chí, có nhà khoa học khẳng định là có chắc chắn, chứ không phải có thể có.

Chúng ta không nên dựa vào những hiểu biết thiển cận mà bác bỏ những cái chúng ta không biết. Không tin thì thôi. Đúng ra, tin hay không tin thì phải căn cứ vào những thực tế những gì đem lại ích lợi cho chúng ta, ích lợi cho nhiều người và thấy được những tiến bộ trong đời sống tâm linh của chúng ta, thì nên tin. Còn tin mà không làm gì, tin xong rồi đắp mềm nằm ngủ, thì cái tin đó cũng không ích lợi gì. Tin như vậy, thì tin cũng như không tin thôi.

Bây giờ nói cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà có hay không có, chúng tôi không biết chắc, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng người nào chuyên tâm niệm Phật thì tâm người đó sẽ thấy định tĩnh và an lạc. Nhưng chỉ có điều, niệm như thế nào thôi, niệm phớt lớt, hay niệm chỉ để cầu phước, cầu giàu sang, hết bệnh hoặc cảm giác hai tay hoặc mấy ngón tay thừa thừa, lần chuỗi cố xát cho khỏi cảm thấy thừa thừa, thì đương nhiên, niệm Phật như vậy chẳng có ích lợi gì. Nhưng mà chí thành chánh niệm, niệm có tập trung, niệm tới lúc không thấy Phật, không thấy ta, thì ngay cái niệm này có thể thấy được bản tính của mình. Tại vì khi tập trung vào một điểm, đạt đến nhất tâm bất loạn, thì khi đó không còn thấy Phật và ta, đạt đến trạng thái tỉnh lặng, thì lúc ấy chúng ta có thể đạt đến nguồn an lạc. Thành ra, còn tùy theo mức độ hành trì. Kinh Phật không dạy chúng ta chống ai hết, thấy pháp hành nào ích lợi cho mình, thực hành được thì thực hành. Phật đã dạy rồi, khi nghe một ai, cho dù là vị trưởng lão, nói rằng, “tôi nghe điều này chính từ đức Thế Tôn” khoan khen, mà cũng khoan chê, nên kiểm điểm lại bằng kiến thức, bằng cái đa văn của mình, bằng cái tu chứng của mình, nếu là đúng thì hành trì, không đúng thì thôi. Tức là không khen cũng không chê. Ngay cả đối với các tôn giáo khác cũng vậy. Có người tin Chúa, sống rất đạo đức, rất vị tha, nhưng cũng có nhiều người tin Phật, lại rất ác ôn, tham lam, cuồng vọng. Tin Phật như vậy, cũng vô ích. Họ tin Chúa, mà thành những người đạo đức, vị tha, thì tin Chúa vẫn có lợi như thường. Nhưng việc giải thoát, còn tùy theo pháp môn, tu tập, nơi nào có pháp môn tu đúng, nơi đó sẽ có người giải thoát. Không bác bỏ. Hành được thì hành, không thì thôi, vì trình độ chúng ta rất thấp kém, có nhiều thứ chúng ta không biết.

Tôi biết có nhiều thầy giảng, bằng những kiến thức khoa học của mình, cho rằng không có thế giới Phật A Di Đà. Các thầy này lập luận rằng, trong kinh nói, thế giới Phật A Di Đà, ở phương Tây. Mà trái đất xoay quanh mặt trời, vậy phương Tây là phương nào? Nói như vậy thì kiến thức họ quá thiển cận, ngôn ngữ quá thiển cận. Bằng thiển cận của mình mà bác bỏ, cái đó là không đúng. Hệ thống đối chiếu để biết đâu là phương Tây, họ không biết rõ. Các cách định vị tọa độ, họ không biết rõ. Không phải chỉ có tọa độ vuông góc của Decart, mà còn có tọa độ cầu, tọa độ cực, tọa độ trụ; mỗi tọa độ, người ta định vị khác nhau. Nhưng khi cần di chuyển, người ta có thể di chuyển đúng đường của nó nhưng dưới nhiều tọa độ khác nhau. Ví dụ như khi phóng phi thuyền vào không gian, người ta không thể dùng tọa độ của Decart để phóng được. Thành ra, người bác bỏ rằng, phương Tây không có, mà nói là nói theo khoa học, thì đó là khoa học thiển cận, trình độ về các hệ thống tọa độ chưa qua khỏi lớp 12 đâu, mà cho mình biết tất cả, thì đó là cái cuồng ngạo và kiêu ngạo quá đáng. Thành ra, chúng ta biết khiêm nhường ở chỗ là không bác bỏ. Kể cả các đạo khác, mình không hiểu hết về họ, thì cũng đừng vội mà chê, chỉ biết là mình không theo con đường đó, nên mình không thực hành theo đó. Vậy thôi.

Lược ghi từ buổi giảng kinh Kim cang của Thầy vào ngày 26 tháng 9 năm 2010.

No comments:

Post a Comment