Monday, 12 December 2011

Làm mới cuộc sống
Chúng ta nhận thấy trong sinh hoạt xã hội, người nào biết làm mới mình, thì dễ dàng thăng tiến. Nếu không thay đổi cuộc sống cho tốt hơn, chúng ta chẳng khác gì con ong, cái kiến, từ ngàn xưa, tổ tiên của chúng sống như thế, cho đến ngày nay, chúng vẫn sinh hoạt y như thế. Còn tổ tiên chúng ta có những bước thăng trầm trong cuộc sống và rõ ràng đã có sự tiến hóa trong mọi lãnh vực sinh hoạt, cho đến ngày nay, nhân loại đã đạt đến đỉnh văn minh cao nhất.
Thực tế cho thấy xã hội có tiến hóa, con người có tiến hóa, tất nhiên chúng ta tu hành cũng phải có sự tiến hóa, tức là làm mới cuộc sống. Thật vậy, Đức Phật dạy rằng nếu thể nghiệm pháp Phật trong nếp sống của chính mình, chúng ta sẽ từng bước thăng hoa tri thức và đức hạnh theo thứ bậc như sau, khởi đầu từ tư cách con người phàm phu tu hành, chúng ta tiến lên tư cách của chư Thiên, rồi lên Hiền vị và đắc quả A la hán theo tinh thần Nguyên thủy. Kế tiếp, chúng ta sẽ phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo trải qua 52 chặng đường theo kinh Hoa Nghiêm để đạt đến đỉnh cao của tuệ giác là thành tựu quả vị Phật. Và thành Phật rồi, không phải không đổi mới cuộc sống, nhưng càng đổi mới nhiều hơn nữa, đó là chúng ta không chỉ hành đạo hạn hẹp với thân tứ đại ngũ uẩn ở Ta bà này, mà còn có khả năng cứu độ chúng sinh bằng thiên bá ức hóa thân trong khắp mười phương; nói cách khác, chúng ta luôn luôn có được những phương tiện thiện xảo làm lợi lạc cho xã hội chúng ta đang sống và mở rộng hơn nữa là hiện hữu trong khắp pháp giới tùy theo hạnh nguyện của mình để gieo trồng căn lành và cứu độ muôn loài mọi giới.
Chúng ta còn nhớ tổ tiên mình đã phát triển sự sống khởi nguồn từ thời đồ đá, tiến lên thời đồ đồng và phát triển cho đến ngày nay là thời khoa học hiện đại. Đó là cả một quá trình tiến hóa, luôn đổi mới của nhân loại. Nếu tính riêng thành phố Hồ Chí Minh, vào 300 năm trước, thầy Tổ của chúng ta chỉ có một vài vị đến thành phố này với đoàn di dân để khai đạo. Nhưng ngày nay, thành phố chúng ta đã có đến bảy triệu dân, hàng vạn Tăng Ni và hàng ngàn ngôi chùa. Và gần nhất, chúng ta có phong trào học Phật do cố Hòa thượng Thiện Hoa khởi xướng, lúc đó chỉ có khoảng 40, 50 đạo hữu theo học. Từ đó đến nay, mới trải qua vài chục năm, đã có sự thay đổi rất nhiều, trước nhất là chùa chiền đã phát triển ở nhiều nơi và rộng lớn hơn và các khóa tu học cũng được thay đổi, như khóa tu Một ngày an lạc của chúng ta có cả ngàn người thường xuyên tham dự. Tuy nhiên, không phải chúng ta bằng lòng với thành quả như vậy; nếu không, Phật giáo sẽ bị tụt hậu.
Phải có sự sáng tạo, đổi mới, nghĩa là từng bước đi tới, thì việc làm của chúng ta phải tốt đẹp hơn, cái nhìn phải sáng hơn. Khóa tu Một ngày an lạc đã trải qua 52 chặng đường phải giúp cho hành giả nhận thức đúng đắn hơn và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh mình, nhờ đó, mới có thể đóng góp thiết thực lợi lạc cho đạo pháp và cho xã hội.
Nương vào con đường luôn luôn sáng đẹp của Chánh pháp, nếu xã hội bất an, cuộc sống có nhiều bức ngặt, chúng ta có thể tìm sự an lạc ở chốn Thiền môn để thực tập lời Phật dạy, tiếp nhận được hướng đi lên trong sáng cho chính mình; đó là cách làm mới nếp sống tu hành. Trên thực tế, các khóa tu Một ngày an lạc của chúng ta đã thực hiện nhiều sự đổi mới so với cách tu Bát quan trai từ trước đến nay ở điểm chú trọng đến việc ứng dụng giáo lý Phật dạy vào cuộc sống của Phật tử cho thích hợp với thời đại khoa học tiến bộ.
Phải khẳng định rằng khóa tu của chúng ta đã duy trì được đến ngày hôm nay chính là nhờ vào sự thay đổi rất nhiều từ hình thức cho đến nội dung tu học. Và trải qua 52 chặng đường tu tập, chúng ta đạt đến đỉnh an lạc rồi, chẳng lẽ bước sang năm 2009, chúng ta cũng dừng lại ở sự an lạc này hay sao. Vì vậy, cần có sự nhận thức mới, có sự chuyển đổi, sự thăng hoa, nghĩa là không phải cuối tuần tu học, chỉ được một ngày an lạc, mà phải phát triển được tâm linh của hành giả đang bước theo dấu chân Phật, tức mở rộng được tầm nhìn về vật chất và tinh thần một cách chính xác. Tôi đề nghị quý thầy biên soạn tài liệu học tập nên bớt đi những nhận thức xã hội, mà phát huy đời sống tâm linh quan trọng hơn. Vì khi bất an, thì tìm cái an; nhưng tìm được sự an lạc rồi, phải bắt đầu đi vào hành trình của thế giới tâm linh.
Người bình thường thấy cuộc đời của Đức Phật không có gì thay đổi, nghĩa là từ khi Ngài xuất gia cho đến ngày Niết bàn, Đức Phật không làm gì khác hơn là đắp y, mang bình bát vào thành khất thực, rồi về thọ thực, kinh hành và thuyết pháp. Đó là cách nhìn theo mắt thường của thế gian thấy ngày nào Phật cũng làm như vậy thôi. Ý này trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng đã nói rằng người thế gian nghĩ Ngài là con vua Tịnh Phạn, vừa bỏ ngôi vua để tu khổ hạnh, rồi thuyết pháp dạy đời. Nhưng Đức Phật xác định rằng đó là quan niệm của người đời, vì đời sống tâm linh của Ngài không phải chỉ tầm thường như thế. Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp quá khứ xa xưa và đã giáo hóa độ sinh trong khắp mười phương, không phải chỉ mới tu hành và thành Phật ở Ta bà này.
Từ kinh Nguyên thủy chuyển sang kinh Đại thừa có thể nói là cách làm mới đạo Phật, làm mới sức sống của Phật giáo; nếu không, Phật giáo đã bị tiêu diệt, sức sống của đạo đã bị chấm dứt. Xã hội phải thay đổi để tồn tại; Phật giáo cũng phải thay đổi để thích nghi với đời sống của con người, mới tồn tại được. Vì như đã nói, con người không phải là con ong, cái kiến. Con người vượt trội hơn tất cả các loài khác, vì có đời sống tâm linh, có trí tuệ. Sự đổi mới của chúng ta là làm mới đời sống tâm linh, làm mới nhận thức của chúng ta; đó là sự thay đổi rất lớn lao và rất quan trọng.
Tất cả mọi người đều mang thân tứ đại ngũ uẩn, nhưng người biết làm mới tứ đại ngũ uẩn thì trên quá trình tu hành, tức quá trình sống, họ có sự chuyển đổi dần dần. Có người thay đổi sắc thân bên ngoài, nhưng có người thay đổi ngũ uẩn bên trong, thay đổi tâm thức. Tuy nhiên, dù là thay đổi cuộc sống bên ngoài hay thay đổi tâm thức, thì trong quá trình thay đổi đó, tất cả những gì của quá khứ và vị lai đều nằm trong hiện tại, tức hiện tại dung nhiếp cả ba đời nhờ sử dụng trí tuệ.
Đầu tiên, thay đổi vật chất là phải chuyển hóa thân tứ đại trước. Còn thay đổi đời sống tâm linh thì phải chuyển hóa Thức trước. Thay đổi vật chất trước là tiệm tu. Đốn tu là sự bứt phá, thay đổi từ gốc, hay từ tâm thức, thì đạt kết quả nhanh hơn, nhưng không đơn giản và thường chỉ có hàng thượng căn thượng trí mới tu tập được.
Để thay đổi vật chất, người tu làm mới cách nào? Chúng ta loại bỏ những cái cũ trong thân tâm và đưa những cái mới vào để cơ thể được khỏe mạnh, ngoại hình dễ coi và cuộc sống an lạc, phải có một ngày an lạc, cho đến một đời an lạc; đó là sự đổi mới trước tiên trên bước đường tu. Nhiều người nghĩ lầm rằng phải có tiền, phải có thế lực, mới có cuộc sống an lạc. Nhưng Phật tử vào đây tu học được an lạc mà không cần tiền, chỉ việc tu học thì có cơm ăn, chỗ nghỉ, không bận tâm lo lắng đến đời sống vật chất trong một ngày tu. Thật vậy, Ban Tổ chức khóa tu cố gắng điều chỉnh việc ăn uống và sinh hoạt tu học cho quý vị, để các Phật tử khắc phục được nghiệp ăn uống, ngủ nghỉ. Kết quả là đến nay, nơi tu học của chúng ta đã có những tiện nghi tương đối tốt để giúp cho thân và tâm của các Phật tử được an lạc. Và được an lạc, giải thoát rồi, Ban Tổ chức chúng tôi lại tiếp tục có sự đổi mới tốt hơn nữa, nhằm xây dựng cho Phật tử những kiến thức có thể thâm nhập pháp Như Lai.
Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng tất cả mọi người đang sống trên thế gian này giống như đang sống trong Nhà lửa; cho nên, điều quan trọng trước nhất là phải thoát ra khỏi Nhà lửa, để chúng ta được an lạc. Khi các Phật tử còn sống hơn thua phải trái, bám theo danh lợi, là đang bị lửa tham sân si đốt cháy, làm cho đau khổ. Chính vì vậy mà quý vị vào khóa tu này để tìm được một ngày an lạc, cho đến một đời an lạc; nói cách khác, quý vị chạy ra được Nhà lửa tam giới bằng cách áp dụng Tam thừa giáo là phương tiện của Đức Phật để lại.
Đức Phật cho biết cuộc sống cao sang, tiện nghi và tham vọng thì càng làm cho con người khổ đau. Bỏ tham vọng mới được giải thoát và Đức Phật đã làm thí nghiệm cho chúng ta thấy điều này. Ngài từ bỏ cuộc sống nhung lụa, dấn thân trên con đường cát bụi với một y một bát, sống cuộc đời khổ hạnh; nhưng Đức Phật vẫn an lạc giải thoát, để giúp chúng ta nhận thức được rằng cuộc sống an lạc không đòi hỏi vật chất nhiều như chúng ta nghĩ tưởng. Vì vậy, đệ tử Phật học giáo lý, nhận ra ý này và thay đổi cuộc sống theo cách Phật dạy, thân tâm liền an lạc.
Riêng tôi, thuở nhỏ thường nghĩ rằng Phật có đầy đủ cuộc sống vật chất tốt đẹp nhất của thế gian này mà Ngài còn từ bỏ một cách dễ dàng, thì mình có gì đâu mà không bỏ được. Nhờ ý thức như vậy, tôi vững tiến trên đường đạo và từng bước dấn thân hành đạo, có được những đổi mới tốt lành. Và đổi mới quan trọng là chúng ta thấy rõ vật chất không cần nhiều trong cuộc sống của mình, cho nên cái gì cắt được là cắt ngay, khiến tôi có cảm giác bỏ được một phần tham cầu nào là mình giải thoát liền phần đó.
Thiết nghĩ trên bước đường tu của chúng ta, cần có sự thay đổi lần về nhu cầu vật chất, về tiện nghi vật chất, không để mình bị lệ thuộc nhiều vào nó. Còn ngược lại, xã hội thay đổi thì mỗi ngày có thêm tiện nghi vật chất, nhưng tôi cảm giác rằng càng sống tiện nghi thì càng lệ thuộc nhiều vào vật chất và tất nhiên người ta có cái giá phải trả, trả bằng tiền bạc, bằng công sức, bằng công đức. Đến khi tiền bạc, công sức và công đức không còn là rơi ngay vào cảnh sống khổ sở, cho đến khổ cùng cực là rớt xuống địa ngục. Thực tế cho thấy những người lao vào cuộc sống vật chất, muốn ăn ngon thường vào nhà hàng, muốn ở sang họ vào khách sạn; nhưng nghĩ xem họ ăn nhà hàng và ở khách sạn được mấy ngày, mà quen hưởng thụ đến khi không được nữa, chắc chắn là sẽ bị cơn thèm muốn hành hạ dày vò họ.
Chúng ta thay đổi cách sống, tu một ngày an lạc, chẳng những không tốn tiền, không phải bận tâm đến ăn uống, mà cả thân tâm đều được tự tại giải thoát. Đức Phật ôm bình bát đi khất thực là cũng thể hiện ý này. Người đời thích ăn ở sang trọng, họ phải bị lệ thuộc vật chất, bị khổ; trong khi Phật ăn đơn giản cũng sống mà còn sống tốt, sống giải thoát, sống an lạc, sống tự tại. Như vậy, Đức Phật đã chuyển đổi từ cuộc sống vật chất tiện nghi nhất sang đời sống vật chất thấp nhất, cho chúng ta thấy Ngài không còn lệ thuộc vật chất và hơn thế nữa Ngài đã phát huy đời sống tâm linh đến tuyệt đỉnh mới là cao quý.
Và khi thay đổi thân tâm như vậy sẽ tạo ra sự ức chế tâm lý không nhỏ. Quyết tâm tu hành, để chống lại sự ức chế này, Phật dạy chúng ta quán Không, tức đời sống tâm linh mở ra là bước vào Không giải thoát môn. Trước khi theo Phật, chúng ta sống với vọng thức vọng trần nên thường nghĩ phải trái, tốt xấu, ngon dở, v.v… mới bị ngoại cảnh chi phối, bị người khác tác động. Nay chúng ta quán tất cả các pháp đều Không, cho nên không quan tâm đến vật chất và cũng không quan tâm đến thân mình. Và từ bỏ được sự tham đắm tài sản vật chất, từ bỏ được sự tham đắm thân này, nghĩa là an trụ được pháp Không và ngã Không, để cuối cùng đạt được tất cánh Không. Đó chính là cánh cửa tâm linh mà Phật đã đi vào khi Ngài thâm nhập thiền định tại Bồ Đề Đạo Tràng.
Từ cuộc sống hệ lụy vật chất, chúng ta làm mới sự tu hành của mình là không bị vật chất ràng buộc và an trụ tất cánh Không, tất cả đều Không, thì chúng ta cắt đứt được tham vọng và tham ái mất sẽ làm cho sân hận không thể tồn tại được, từ đó cánh cửa giải thoát mở ra. Đức Lục tổ Huệ Năng ngộ được pháp Không này, mới nói rằng :
Bồ đề bản vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
Vì “Bản lai vô nhất vật”, cho nên Ngài không vướng bận gì cả. Nhập Không môn như vậy, Ngài liền được giải thoát an lạc và được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng quả giải thoát này.
Và chúng tôi muốn nhắc nhở Phật tử yếu nghĩa của sự an lạc tất cánh Không này. Vào đây tu học, nếu quý vị nghĩ tưởng đến những thứ khác thì vẫn sẽ khổ vô cùng. Còn biết buông bỏ, tâm sẽ nhẹ nhàng, giải thoát. Ở trong tất cánh Không, nhưng có được những cái mà người thường không thể hiểu, gọi là chơn không diệu hữu. Tuy nói không, nhưng không phải không có gì hết đối với bậc chân tu. Vì nhận ra cốt lõi này mà người thế gian mới nói rằng “Của vua thua của Phật”. Vì vua trụ ở pháp hữu, nên cái có của họ bị giới hạn. Của Phật thì vô cùng, vì Ngài an trụ pháp Không. “Bản lai vô nhất vật”, nhưng có vô tận tạng công đức gắn liền với ta, không ai lấy được; còn tạng hữu vi thì người ngoài chiếm lấy được.
Cuộc đời giáo hóa độ sinh của Đức Phật đã thể hiện rõ nét yếu nghĩa của “Vô nhất vật trung vô tận tạng”. Ngài không nắm giữ bất cứ tài sản nào trong tay, nhưng sự nghiệp của Phật quá vĩ đại, nhân loại trong năm châu bốn biển đều quy ngưỡng Ngài.
Vô tận tạng công đức của Phật, chúng ta không thấy bằng mắt, cho nên không ai chiếm đoạt được; nhưng không phải là không có. Nhận thức như vậy là chúng ta bắt đầu có cái nhìn khác về Đức Phật. Nếu nhìn theo thế gian, thì bảo Phật bỏ của cải vật chất để làm Sa môn trắng tay, là người xin ăn. Nhưng đối với người có đời sống tâm linh, Đức Phật đã từ bỏ những gì đáng bỏ; vì những gì thuộc vật chất thì không thể tồn tại lâu dài, kể cả thân mạng của con người. Đức Phật bỏ thân mạng hữu hạn để có được sự chuyển đổi lớn lao nhất là Ngài có thân mạng vô cùng.
Nếu Đức Phật không có thân mạng vô cùng, thì Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài cũng bị diệt theo; nhưng vì Phật đã đưa sức sống của Ngài vào vô cùng, cho nên giáo pháp mới trở thành vô cùng. Theo Pháp Hoa, chỗ Phật ngộ là Pháp thân vô cùng. Chúng ta cũng có Pháp thân, nhưng vì thiếu Báo thân viên mãn, cho nên không sử dụng được Pháp thân. Phải thành tựu Báo thân viên mãn và Báo thân này thâm nhập tất cả các pháp, chúng ta mới sử dụng được Pháp thân vô cùng của mình. Còn thân tứ đại này theo quy luật sinh diệt, thì chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng của loài người hơn các loài khác, đó là nương vào cái thân hữu hạn, để chúng ta tạo ra cái thân vô cùng; nói cách khác, tìm ra Pháp thân vô cùng trong thân sinh diệt hữu hạn của con người. Và chuyển đổi thân mạng hữu hạn thành Pháp thân vô cùng là tu theo Phật.
Báo thân là phước đức và trí tuệ mà chúng ta tu tạo được và chết mang theo sang đời sau; còn tất cả những gì thuộc về vật chất đều phải trả lại thế gian, không giữ được. Vì vậy, nếu ta tạo phước đức đời này, tái sinh sẽ giàu có, được kính trọng; nếu ta học Chánh pháp, tâm trí thông minh, ta sẽ mang theo sự thông minh sang đời sau. Nhưng Đức Phật dạy rằng chúng ta nên đem phước đức trí tuệ mình có, tức Báo thân đầu tư vào các pháp để chuyển đổi nó thành Pháp thân, thì mới trở thành lực tác động vô cùng và phát triển rộng khắp Pháp giới. Kinh Pháp Hoa lấy ví dụ hoa sen nở kết thành gương sen có hạt sen. Hạt sen rụng xuống, ở trong bùn thành cây sen khác. Ý này được Phật diễn tả là thế gian tướng thường trụ; cụ thể là đem phước đức trí tuệ đầu tư cho con người, đầu tư cho thế hệ kế tiếp thì người nhận được phước đức và trí tuệ của ta cho sẽ có sinh mệnh gắn liền với ta; nghĩa là trong tâm trí của họ đã ghi lại hình ảnh tốt đẹp của ta, đã ghi dấu việc làm tốt đẹp của ta, đã in đậm có lời khuyên dạy của ta, v.v… Đó chính là sự thay đổi nằm trong sinh mệnh tương tục.
Tóm lại, nhận chân sâu sắc rằng Phật và Bồ tát từ bỏ những gì thuộc vật chất hữu hạn để được những Thánh tài vô cùng, không phải bỏ để mất. Tu học theo Phật, chúng ta cũng tập xả bỏ những cái đáng bỏ, chuyển đổi đời sống vật chất và tâm linh theo hướng thánh thiện, để lưu giữ và phát huy những của báu cần thiết cho lộ trình Bồ tát đạo là phước đức, trí tuệ, cho đến ngày viên mãn được Báo thân, chuyển đổi thành Pháp thân vô cùng. Được như vậy là thành tựu được sự đổi mới có ý nghĩa nhất và cao quý nhất của người đệ tử Phật trên bước đường tiến tu giải thoát giác ngộ.
HT.THÍCH TRÍ QUẢNG
Các bài viết khác

No comments:

Post a Comment