Monday 12 December 2011

Xuân trong đạo Phật

Nói đến Xuân thì rất nhiều ngòi bút của văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ đã bay bướm, tưới tẩm cảm hứng của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng chúng ta là phật tử mà lại không có chữ “sĩ” nên phải chiêm nghiệm Xuân theo chiều hướng đạo Phật hay, cao thượng hay đẹp đẽ như thế nào.
Cuộc đời nằm trong quy luật “sinh trụ hoại diệt”, chúng ta thử xem mùa xuân có nằm trong quy luật này hay không ? Tất cả sự vật đều giả tạm cho nên chúng ta phải nhìn vào bản chất sự việc bằng con mắt trí tuệ, do đó Thiền sư Huyền Quang đã nói :
Xuân đến trăm hoa đua nở,
Một thời hương sắc khác chi nhau,
Vào thu tan tác ngàn cánh hoa rơi,
Cúc dậu trong hiên vẫn đượm màu.
Trong quy luật sinh diệt này người ta còn nhận ra cái không sinh diệt “đó là Phật pháp bất ly thế gian”. Chúng ta còn tìm mùa xuân ở những ngày cuối năm, chúng ta thật sự bận rộn, lo toan đủ mọi thứ đưa tới tốn kém và lãng phí thật sự rất nhiều. Là một phật tử, chúng ta phải nhận chân mùa xuân trong đạo Phật là mùa xuân An Lạc. Người phật tử có một sức khỏe tốt để tinh tấn tu hành, bất cứ mùa nào trong năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông cũng đều là mùa Xuân. Vì bất cứ mùa nào chúng ta cũng phải sạch sẽ từ trong nhà ra tới ngõ và tới hàng xóm. Có như vậy ta mới có an lạc. Để được như vậy chúng ta phải giáo dục con cháu chúng ta xây dựng mùa xuân từ tâm xuân, vì tâm làm chủ. Cho nên vua Trần Thái Tông là vua đầu đời Trần cũng là người nhận được giáo lý nhà Phật qua bài thơ:
Mới tới cửa ngoài nghe tiếng hét,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con,
Một tiếng sấm xuân vừa chấn động,
Khắp nơi cây cối nẩy mầm xuân.
Theo vua Trần Thái Tông thì tiếng hét của Tổ là tiếng sấm xuân mà tất cả những hoa trái của sự giác nơi ta được biểu lộ ra sau, khi những hôn trầm tan biến. Tiếng sấm cũng như tiếng hét có sức công phá hủy diệt để mùa xuân trở về: Mùa xuân của an lạc, của giác ngộ. Ngoài ra chúng ta còn thấy Phật Hoàng Trần Nhân Tông nổi tiếng với bài thơ “Cư Trần Lạc Đạo Phú”:
Cư trần lạc đạo thả trùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối kính vô tâm mạc vấn thiền
dịch là:
Trong đời vui đạo hãy tùy duyên
Ðói đến thì ăn mệt ngủ liền
Nơi mình sẵn ngọc đâu tìm nữa
Trước cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.
Sau khi xuất gia Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhìn mùa xuân trôi qua một cách bình thản thông qua bài thơ Vãn Xuân:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Ðông hoàng diện
Thiền tọa bồ đoàn khán thụy hồng.
Phật Hoàng luôn kêu gọi mọi người không nên bỏ phí ngày xuân phải làm việc cho đạo cũng là cho đời. Ngài đã mở đầu buổi đại hội tham thiền ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh bằng một bài thơ: Thân như hô hấp tụ trung khí/ Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân/ Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú/ Bất thị tâm thường không quá xuân
Cái chân như hiện ra trong muôn vật, như là ý thơ của Sư Thiền lão:
Thủy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.
Cái chân như “Xuân cùng muôn vật” đã trở thành cảm hứng nhiều Thiền sư đời Lý, Thiền sư Mãn Giác đã nổi tiếng với bài “Cáo tật thị chúng” :
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Ngoài ra còn nhiều nhà thơ nói về trúc và mai để chỉ mùa xuân. “Trúc” đại diện cho người đàn ông mạnh dạn và quân tử, còn “mai” biểu hiện cho người nữ mảnh mai dịu dàng, dễ thương. Nhưng đàn bà hay đàn ông cũng phải trống rỗng và buông xả tất cả để bước vào cửa không gọi là không môn, tập sống tiết tháo như người quân tử vì tu càng cao càng phải buông xả, xả tất cả. Nếu không xả mà còn cố chấp thì không ai đến gần nghĩa là không có tăng thân, mà không có tăng thân thì không thể nào tu được. Ngày nay chúng ta vẫn thấy những bài thơ hay với những hình ảnh cành mai biểu tượng cho sức sống của vạn vật. Chính các Thiền sư đã coi chân như một sinh vật tiềm ẩn trong vạn vật. Nhà sư Chân Không đã có câu kệ mang ý của bài thơ Mãn Giác:
Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận,
“Hoa lạc, hoa khai” chỉ thi xuân. Như vậy chân như có gốc ở tâm “Tâm là Như Lai Tạng”, các pháp có tính bắt nguồn từ tâm, nhưng theo cách trình bày của các Thiền sư thời Lý thì nó ẩn trong muôn vật hay nói theo ngôn ngữ hiện nay là nó đã khai thác hóa. Xuân trong thiền môn gọi là không môn, là không có cửa được phản ảnh qua bài:
Xuân nương du thảo địa,
Hạ hưởng lạc hạ kỳ,
Thu ẩm hoàn hoan tửu,
Đông ngâm bạch thu thi,
Hoặc:
Xuân đến, xuân đi, xuân tàn
Hoa tàn hoa nở vẫn là xuân.
Từ quan niệm hết thảy pháp tánh bắt nguồn từ tâm, để miêu tả cái bản thể đó nhà sư Trường Nguyên đã có bài kệ:
Tài quang tại trần. Thường ly quang trần
Tâm phú trừng triệt. Dữ vật vô thân
Thể ư tự nhiên. Ưng vật vô ngôn
Tông thượng nhi nghi. Đào dã nhân luân
Đinh độc vạn vật. Dữ vật vi xuân
Tác vũ thiết nữ. Đã cổ mộc nhân.
Ngoài ra, Phật pháp bất ly thế gian vì tâm tức Phật, Phật tức tâm là tâm thanh tịnh không phải từ trên rơi xuống, không phải từ dưới đất sanh lên mà tâm không bị xáo trộn, vì vậy nhìn vào vấn đề mà nói:
Trông hoa lại nhớ đến người
Trông thấy hoa cũ biết giờ nào nguôi.
Trên hành tinh này có sự xoay vần mà ta không biết, không thấy cho nên không có khái niệm không gian và thời gian do đó quan niệm hưởng xuân của từng người, từng lớp đều khác nhau. Chơn thường còn nằm trong vô thường “Chúa Xuân nay đã thành quen mặt, hoặc vì hấp dẫn hoặc bị lôi cuốn nên “Nệm cỏ ngồi yên ngắm nụ hồng”, ngồi mà được “yên” là được định mặc cho hoa rơi, hoa nở, hoa rụng, hoa tàn, còn nữa tất cả phải theo quy luật “chân không diệu hữu”, chúng ta phải nghĩ thêm rằng: Chơn không, chơn thường, chơn lạc, chơn ngã là bốn (4) đức tính của chơn không diệu hữu. Vì hiểu như vậy, biết như vậy nên tất cả chúng ta phải cố gắng vượt qua tất cả niềm đau để có an lạc trong bất cứ mùa nào cũng như mùa xuân. Xuân còn là sức sống mãnh liệt của con người, từng giai cấp từng thế hệ. Điển hình là những người tu thì phải có phước có lộc có huệ mạng có an lành, v.v… Tuy nhiên, trong khi chúng ta hưởng xuân an lạc, chúng ta phải nghĩ đến những người bất hạnh quanh ta. Mùa Xuân Di Lặc còn hàm ý cung nghinh một năm mới đầy may mắn dưới nhiều hình thức.
Theo tôi được biết, gần đây có một thiền sư rất tâm đắc với hai bộ kinh Pháp Hoa và kinh Hoa Nghiêm, hai bộ kinh này sẽ hội đủ mô hình để chúng ta nương theo xây dựng một cuộc sống tu hành. Ngài cho rằng: Ngắm nhìn cảnh Xuân tươi đẹp, luân chuyển theo dòng sanh diệt của định luật, hành giả Pháp Hoa liên tưởng đến sức sống vui tươi của mùa Xuân bất diệt vĩnh hằng. Mùa Xuân chào đón những hành giả Pháp Hoa đắc đạo bước vào pháp hội không trung thuyết pháp.
Vào tâm hoan hỷ địa
Thể hiện nụ cười thơ
Trí Quảng Thiền sư độ
Ba ngàn giọt lệ khô
Tóm lại, Xuân trong đạo Phật là Xuân của tất cả mọi loài chúng sanh ở mười phương pháp giới, muốn được như vậy chỉ có con đường duy nhất là phải tu, phải thực hiện niệm định huệ để mãi mãi có an lạc và còn phải thắp sáng bình an của chính mình cho những người xung quanh ngay bây giờ và hiện tại.
Các bài viết khác

No comments:

Post a Comment