Nghi Thức Chúc Tán Rằm Và Mồng Một
Nghi thức chúc tán được thực tập mỗi tháng hai lần vào các ngày rằm và mồng một trong giờ công phu sáng và vào sáng mồng một Tết. Bắt đầu nghi thức vị chủ lễ xướng bài dâng hương hoặc cử bài ấy lên để đại chúng cùng hòa theo trong điệu tán truyền thống của thiền môn. Rồi vị chủ lễ quỳ xuống trước Tam Bảo thay đại chúng xướng bài chúc tán theo điệu xướng truyền thống. Tiếp theo là công phu hàng ngày của thiền môn. Nếu thực tập tại nhà thì bạn sử dụng nghi thức này.
Sau mục Quán Nguyện, tất cả mọi người đứng dậy lạy thù ân. Đây là một phần đặc biệt của nghi thức chúc tán. Chúng ta lạy để biểu lộ niềm biết ơn của chúng ta với Bụt, tổ, cha mẹ, thầy, bạn và mọi loài. Nghi thức này đem lại cho ta nhiều niềm vui và tưới tẩm được những hạt giống ân nghĩa và thương yêu trong ta.
1. (Dâng Hương)
Lò báu đốt danh hương
Khói trầm quyện tỏa khắp mười phương
Tâm bồ đề dũng liệt phi thường
Tiếp xúc đâu cũng phóng hào quang
Khắp chốn an định tỏ tường
Kính thành phụng hiến đức Từ Tôn.
Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)
Bậc Đại Giác viên mãn
xuất hiện nơi cõi Ta Bà
Tấm lòng ôm trọn cả thái hư
Trí giác soi cùng đại thiên thế giới
Xin rủ lòng từ, xót thương minh chứng: (C)
Thế Tôn dung mạo như vầng nguyệt
Lại như mặt nhật phóng quang minh
Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương
Hỷ xả từ bi đều thấm nhuận. (C)
Thế Tôn đức tướng vô tận không thể tán dương
Chúng con ở đạo tràng ........
Nhân ngày .......
Tập họp bốn chúng
Đi lên bảo điện
Thiền tọa công phu
Phúng tụng kinh văn
Xưng dương hạnh đức của Bụt
Trì niệm hồng danh
Xin nguyện chúc lên: (C)
Nguyện chúc đạo Bụt sáng thêm
Pháp môn càng ngày càng tỏ rạng
Gió hòa mưa thuận
Đất nước bình an
Khắp nơi thành thị nông thôn
Mọi giới biết noi theo đường tu tập
Thiên nhiên được bảo vệ an lành
Xã hội hưởng tự do bình đẳng
Lại nguyện:
Xin thổi ngọn gió từ bi
thanh lương vào thế gian nóng bức
Đem mặt trời trí tuệ rạng rỡ
về ngự giữa không gian âm u
Khắp nơi đạo giải thoát được tuyên dương
Mưa pháp thấm nhuần chúng sanh đều lợi lạc
Hiện tiền đại chúng
Tu tập tinh chuyên
Biết thương yêu nhau như ruột thịt
Chuyển hóa nội tâm
Trang nghiêm tịnh độ
Nguyện noi gương Phổ Hiền và Quán Tự Tại
Cùng các bậc Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. (CC)
3. (Kệ Mở Kinh)
Nam mô đức Bổn Sư
Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)
Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã
Ba La Mật Đa (C)
Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp Trí Độ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh.
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn. (C)
"Nghe đây, Xá Lợi Tử :
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả. (C)
Xá Lợi Tử, nghe đây :
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý - sáu căn
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp - sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc. (C)
Vì không có sở đắc
Nên khi vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối. (C)
Chư Bụt trong ba đời
Y diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú trí độ
Bát Nhã Ba La Mật".
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi
Svaha.1 (ba lần) (CC)
4. (Quy Nguyện)
Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân
Pháp giới thành thanh tịnh
Chúng sanh lắng nghiệp trần. (C)
Đệ tử tâm thành
Hướng về Tam Bảo
Bụt là thầy chỉ đạo
Bậc tỉnh thức vẹn toàn
Tướng tốt đoan trang
Trí và bi viên mãn. (C)
Pháp là con đường sáng
Dẫn người thoát cõi mê
Đưa con trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức. (C)
Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời. (C)
Đệ tử nương nhờ Tam Bảo
Trên con đường học đạo
Biết Tam Bảo của tự tâm
Nguyện xin chuyên cần
Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.
(C)
Nguyện theo hơi thở
Nở nụ cười tươi
Nguyện học nhìn cuộc đời
Bằng con mắt quán chiếu
Nguyện xin tìm hiểu
Nỗi khổ của mọi loài
Tập từ bi
Hành hỷ xả
Sáng cho người thêm niềm vui
Chiều giúp người bớt khổ
Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục
Nếp sống lành mạnh an hòa
Cho thân thể kiện khương
Nguyện rũ bỏ âu lo
Học tha thứ bao dung
Cho tâm tư nhẹ nhõm
Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo
Ơn cha mẹ ơn thầy
Ơn bè bạn chúng sanh
Nguyện tu học tinh chuyên
Cho cây bi trí nở hoa
Mong một ngày kia
Có khả năng cứu độ mọi loài
Vượt ra ngoài cõi khổ. (C)
Xin nguyện Bụt, Pháp, Tăng chứng minh
Gia hộ cho đệ tử chúng con
Viên thành đại nguyện. (CC)
5. (Niệm Bụt) (mỗi danh hiệu ba lần)
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm. (CC)
6. (Quán Nguyện)
(một người đọc hoặc bốn người thay phiên nhau đọc, mỗi người một đoạn)
Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi. (C)
Lạy đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Chúng con xin tập nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến. Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật. Chúng con xin học theo hạnh Ngài, dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới. (C)
Lạy đức Bồ Tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của Bồ Tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống. Chúng con xin nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người. Chúng con biết rằng, nếu chúng con siêng năng tu tập, thì tự thân chúng con có thể là một nguồn an lạc bất tuyệt cho những người thân yêu của chúng con và cho cả muôn loài. (C)
Lạy đức Bồ Tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể được trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con. (C)
7. (Lạy Báo Ân)
Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:
Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Ma Ha Ca Diếp (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Xá Lợi Phất (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Ma Ha Mục Kiền Liên (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Ưu Ba Ly (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Kiều Đàm Di (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam (C)
Nhất tâm kính lễ người khai sáng thiền tông Việt Nam Sư Tổ Tăng Hội (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Đạt Ma Đề Bà (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Vô Ngôn Thông (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Thảo Đường (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Trúc Lâm Điều Ngự (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền (C)
Nhất tâm kính lễ Sư Tổ Thật Diệu Liễu Quán. (C)
Đệ tử nhớ ơn cha mẹ sinh thành, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.(C)
Đệ tử nhớ ơn sư trưởng giáo huấn, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.(C)
Đệ tử nhớ ơn bằng hữu và các bậc thiện tri thức đã tác thành cho, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.(C)
Đệ tử nhớ ơn mọi loài chúng sanh, cây cỏ và đất đá, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương. (CC)
8. (Quay về nương tựa)
Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)
Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.
Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)
Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người,
thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người,
nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người,
xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)
9. (Hồi Hướng)
Chúc tán pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)
Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)
1(1) đọc là xóa-ha
Next >.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).14/12/2011. |
---|
No comments:
Post a Comment